Thường Tín có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Trên địa bàn huyện có trên 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố; 126 làng nghề.
Xác định bảo vệ di tích là nhiệm vụ quan trọng, từ năm 2017, Hội đồng nhân dân huyện Thường Tín đã ban hành Nghị quyết hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách của huyện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích.
Trong giai đoạn này, có 74 di tích được đầu tư công và chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với kinh phí 78 tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa huy động được từ nhân dân giai đoạn 2018-2022 tu bổ, tôn tạo di tích là 50,6 tỷ đồng.
Một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn xã hội hoá. Điển hình như dự án “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc” do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank tài trợ.
Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh 68 nhà khoa bảng của Thường Tín, di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng với tổng dự toán xây dựng công trình là 50 tỷ đồng; công trình đã hoàn thiện và bàn giao năm 2020. Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Thường Tín đầu tư tu bổ 12 di tích.
Hiện nay, huyện Thường Tín đang triển khai đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (khởi công ngày 14/11/2022) với mức đầu tư ban đầu là 144 tỷ đồng trên diện tích 2,7ha. Dự án nằm trên địa bàn xã Nhị Khê.
Khu lưu niệm sẽ khánh thành vào năm 2024. Dự kiến, sau khi hoàn thiện Khu lưu niệm và cùng với di tích Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm xếp hạng nâng cấp quần thể Nhà thờ Nguyễn Trãi và Khu lưu niệm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Để phát huy nguồn lực văn hóa, lịch sử của huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Minh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí để xây dựng, tu bổ, tôn tạo… các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa cấp huyện, cơ sở; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích, nhà văn hóa tại các thôn, cụm dân cư.
Tại buổi làm việc với Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín về công tác bảo tồn di tích, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, hiện nay, cả nước đang tập trung vào nhiệm vụ chấn hưng văn hóa Việt Nam, văn hóa thành động lực, nguồn lực nội sinh đưa Việt Nam phát triển. Việc huyện Thường Tín quan tâm đầu tư tu bổ di tích, biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch là một hướng đi đúng đắn.
Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương phải tuyên truyền giáo dục, đề cao những giá trị văn hóa của mảnh đất này trong nhân dân; đồng thời, chú trọng việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chọn những giá trị tiêu biểu nhất của các di tích, làng nghề để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng, hấp dẫn.