Báo cáo công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non của gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em, Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Thị Dinh cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động hội thảo, tập huấn, hướng dẫn cốt cán đại diện cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non các tỉnh, thành phố về công tác phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội.
Cụ thể như: tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp hỗ trợ cha mẹ chăm sóc giáo dục trẻ có chất lượng và vấn đề bảo đảm các quyền trẻ em"; hội thảo "Mô hình phối hợp gia đình-nhà trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mầm non"; tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non; ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn phối hợp với cha mẹ chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non” và cẩm nang “Hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã triển khai hiệu quả việc phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ. Hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng kế hoạch năm học, chú trọng các nội dung, các giải pháp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình thông qua vai trò của giáo viên nhóm, lớp; phát huy vai trò của Ban đại diện cha mẹ trẻ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhiều đơn vị đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo dục mầm non về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ; bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non kỹ năng phối hợp với cha mẹ trẻ, xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động.
Một số địa phương tổ chức hội thi “Công tác phối hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ” thu hút sự quan tâm của đông đảo đội ngũ giáo viên, phụ huynh và xã hội, góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, vẫn có một số nơi công tác phối hợp cha mẹ chưa triển khai thường xuyên, chưa có các kênh liên lạc tiện ích và thường xuyên để trao đổi với cha mẹ trẻ. Việc tổ chức tuyên truyền còn ít và không sâu, chủ yếu thực hiện theo kiểu kết hợp nên hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cha mẹ là công nhân, người dân tộc thiểu số... chưa quan tâm nhiều đến việc tham gia các hoạt động của nhà trường, do đó, việc phối hợp gia đình, nhà trường hiệu quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn địa phương làm tốt công tác phối hợp, nghiên cứu xây dựng mô hình phối hợp phù hợp theo đặc điểm phát triển của từng địa phương, đặc biệt, ưu tiên vùng miền núi, dân tộc và vùng nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giám sát liên ngành bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; đồng thời, tham mưu xây dựng Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và xã hội giai đoạn 2026-2031.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được, đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả việc bảo đảm sự tham gia của gia đình và xã hội trong quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục ở cơ sở giáo dục mầm non theo quy định pháp luật.