Tạo đột phá trong đổi mới giáo dục mầm non

Bài 2: Hiện hữu nguy cơ tụt hậu

Từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đến nay giáo dục phổ thông đã có những thay đổi mang tính “cách mạng” khi chuẩn bị hoàn thành đưa Chương trình giáo dục phổ thông vào dạy học. Tuy nhiên, cấp học khởi đầu là giáo dục mầm non gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ tự học của trẻ tại Trường mầm non Hoàn Sơn 2 (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Giờ tự học của trẻ tại Trường mầm non Hoàn Sơn 2 (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Chương trình không theo kịp thực tiễn

Chương trình giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2009 và sửa đổi, bổ sung năm 2016 và năm 2020, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, Chương trình giáo dục mầm non hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 cũng có nhiều điểm mới liên quan chương trình giáo dục mầm non, chăm sóc, nuôi dưỡng phát triển trẻ em. Được coi là cấp học đầu đặt nền móng cho sự phát triển con người nhưng Chương trình giáo dục mầm non chậm đổi mới, thiếu liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018).

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục mầm non hiện hành chưa rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập quốc tế và quan điểm tiếp cận liên văn hóa, đa văn hóa để hỗ trợ trẻ thích ứng, hòa nhập trong bối cảnh văn hóa đa dạng nơi sinh sống. Một số nội dung giáo dục trong lĩnh vực ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm, kỹ năng xã hội chưa có sự thống nhất chặt chẽ với mục tiêu và kết quả mong đợi nên giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng kế hoạch lên lớp.

Tiến sĩ Hồ Lam Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Chương trình Giáo dục mầm non 2009 không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay do cách tiếp cận nội dung giáo dục được xây dựng và tích hợp theo chủ đề phát triển các nhánh sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục cần nhìn nhận đúng về chương trình giáo dục và thay đổi sao cho phù hợp với sự phát triển của trẻ trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0.

Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, về nguyên tắc Chương trình giáo dục mầm non là cấp học khởi đầu, là gốc, phải đổi mới trước so với các cấp học khác nhưng hiện nay khi Chương trình giáo dục phổ thông đã đổi mới mạnh mẽ thì giáo dục mầm non vẫn chưa có một chủ trương lớn cho việc đổi mới.

Giáo dục mầm non 2009 là chương trình đầu tiên được ban hành dưới dạng chương trình khung quốc gia, có tính khoa học, tạo tiền đề rất tốt cho việc đổi mới hiện nay. Tuy nhiên, Nghị quyết số 29-NQ/TW yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học. Đây được coi là điểm mới quan trọng mà Chương trình Giáo dục mầm non 2009 chưa đáp ứng được.

“Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành chưa liên thông với sự đổi mới mạnh mẽ của Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Điều đó khiến cho đổi mới giữa cấp học phổ thông và cấp học mầm non như xây nhà mới trên nền móng cũ” - Vụ trưởng Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh nhìn nhận.

Mục tiêu công bằng trong giáo dục còn hạn chế

Trong phát triển giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, việc tạo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng của trẻ giữa các đối tượng, vùng miền, khu vực rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập có điểm bất bình đẳng. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhưng đối tượng thụ hưởng giữa các địa phương khác nhau.

Điển hình như chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được thực hiện theo Điều 10, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Trong đó, các đối tượng được hỗ trợ là giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối năm 2023, cả nước mới có 51 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân hỗ trợ giáo viên mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; 12 tỉnh chưa có nghị quyết hỗ trợ. Trong số các tỉnh có nghị quyết hỗ trợ thì chỉ có ba tỉnh, thành phố cao hơn mức tối thiểu, phần lớn các địa phương còn lại chỉ hỗ trợ bằng mức tối thiểu.

Tại huyện miền núi Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có 28 trường mầm non với số trẻ ra lớp là 7.494/9.816 trẻ, đạt tỷ lệ 76,34%; trong đó trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp có tỷ lệ khá cao 5.853/5.907 trẻ, đạt tỷ lệ 99,8%. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bôi, Lê Thị Hồng, số trẻ định biên/lớp của huyện không đồng đều, ở điểm trường trung tâm vượt so với quy định nhưng tại điểm trường lẻ, số trẻ lại quá ít. Một số lớp học đã cũ, diện tích bình quân rộng 40m2 không đạt chuẩn mới để bố trí, sắp xếp góc chơi cho trẻ; Các trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, Nguyễn Quang Minh cho biết, với 222 trường mầm non trên địa bàn, tỷ lệ trẻ 3 đến 5 tuổi ra lớp của tỉnh đạt 98,3%. Hiện nay, còn nhiều điểm trường lẻ cách xa trung tâm dẫn đến khó khăn trong việc phụ huynh đưa con đến trường (nếu không tính điểm trung tâm thì toàn tỉnh còn 329 điểm trường).

Nhiều lớp ghép trẻ có độ tuổi khác nhau ở một số trường khiến việc nuôi dạy trẻ chưa đạt kết quả như mong đợi. Đáng chú ý, công tác tổ chức ăn bán trú phải vận chuyển cơm từ trung tâm đến điểm lẻ do nhiều điểm trường chưa có bếp ăn hoặc do thiếu nhân viên là rất bất cập. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của trẻ em trong giáo dục mầm non chưa được bảo đảm tại nhiều địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, xuất phát điểm của giáo dục mầm non khá thấp so với các bậc học khác. Vụ trưởng Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh chia sẻ: Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, giáo dục mầm non cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, thay đổi quan điểm đầu tư để có chương trình giáo dục tốt, bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng, có chất lượng.
------------------
Còn nữa
Tiếp theo kỳ trước
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23/5/2024.