Tạo đột phá trong đổi mới giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non là cấp học khởi đầu, phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách trẻ em; đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động trải nghiệm an toàn giao thông của học sinh Trường mầm non Hợp Đồng (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).
Hoạt động trải nghiệm an toàn giao thông của học sinh Trường mầm non Hợp Đồng (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).

Mặc dù giữ vai trò nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng đến nay giáo dục mầm non lại chậm đổi mới, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cũng như yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4/11/2013) của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Luật Giáo dục năm 2019... Điều này đòi hỏi cần có những đổi mới mang tính đột phá để giáo dục mầm non phát triển xứng với vị trí, vai trò.

Bài 1: Những rào cản nâng cao chất lượng

Hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, giúp cấp học này từ chỗ còn nhiều khó khăn đã có bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình phát triển, giáo dục mầm non còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn quốc có gần 15.500 trường mầm non ở các loại hình và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập); có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Chính phủ ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Trung bình cả nước tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ mới đạt 32,1%, trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi đi học mới đạt 93,1%. Hiện có khoảng gần 300 nghìn trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện chất lượng còn hạn chế. Nhiều trẻ phải học ở những nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa bảy trẻ, nơi mà đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phần lớn chưa bảo đảm trình độ, năng lực chuyên môn, nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ; trong khi hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Chúng tôi có mặt tại Trường mầm non Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nằm ở khu vực có sự phát triển kinh tế-xã hội đa dạng nên áp lực nâng cao chất lượng giáo dục rất lớn. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trên địa bàn tập trung nhiều hộ kinh doanh buôn bán, người nước ngoài và công nhân sinh sống. Hiện nay, nhà trường đang nuôi dạy 770 trẻ, bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ 100%. Tuy nhiên, để hướng tới phổ cập cho trẻ 3 đến 5 tuổi cũng như thực hiện các mục tiêu đổi mới còn khó khăn bởi nhiều gia đình cư trú không ổn định cho nên việc huy động trẻ ra lớp gặp khó khăn.

Trường mầm non Hợp Đồng (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) có 100% học sinh là con em người dân tộc Mường. Cô giáo Bạch Hoàng Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông nên một số đi làm ăn ở các địa phương khác, đưa con đi theo, khi không làm ăn được thì đưa con về quê gây khó khăn cho việc lên kế hoạch, bố trí dạy học của nhà trường. Là trường vùng khó khăn cho nên thiết bị dạy học chưa đầy đủ, không thể có đồ dùng đồ chơi theo đúng danh mục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, ở bậc học mầm non trên cả nước, số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%. Cả nước vẫn còn hơn 5.000 phòng học nhờ, học tạm không bảo đảm an toàn. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định ở các cơ sở giáo dục mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khá phổ biến. Cả nước mới có 48% nhóm, lớp mầm non đáp ứng đủ thiết bị dạy học; nhiều trường không có phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng, thư viện.

Bất cập đội ngũ giáo viên

Không chỉ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn hạn chế, vấn đề thiếu giáo viên vẫn là bài toán nan giải. Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh Lương Thị Biển cho biết, hiện nay chế độ cho giáo viên mầm non chưa bảo đảm nên thiếu thu hút để họ gắn bó, yêu nghề, tâm huyết với nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập như: 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên; đối với lớp mẫu giáo, 35 trẻ/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên...

"Với tỷ lệ như trên, các trường trong tỉnh Bắc Ninh hầu như không bảo đảm được theo quy định. Đó là chưa kể tỉnh Bắc Ninh có khu công nghiệp phát triển, công nhân đến sinh sống khá đông cho nên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không theo kịp nhu cầu" - Bà Lương Thị Biển chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàn Sơn 2 (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết: Giáo viên mầm non có những đặc thù, vất vả riêng so với các bậc học khác bởi thực tế họ phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Buổi sáng, các cô thường phải đến lớp sớm cả tiếng đồng hồ. Trưa thì chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho trẻ. 17 giờ tan học nhưng nếu phụ huynh đón con về muộn, giáo viên vẫn phải ở lại trông trẻ cho nên áp lực về thời gian rất lớn. Mặc dù mức lương có cải thiện song tăng không đáng kể, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, chưa tương xứng với thời gian, công sức giáo viên bỏ ra. Vì vậy, giáo viên mầm non nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc khác không ít. Ngay tại Trường mầm non Hoàn Sơn 2 có ba giáo viên được biên chế xong vẫn xin nghỉ dạy chuyển sang công việc khác.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính sách khuyến khích của Chính phủ chưa đủ mạnh để thu hút nguồn học sinh tốt nghiệp THPT thi vào ngành sư phạm mầm non. Chính sách tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, cả nước hiện còn thiếu khoảng 50 nghìn giáo viên mầm non. Tuy nhiên, các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc, nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập thấp, thời gian làm việc dài (9-12 giờ mỗi ngày) khiến thực trạng phát triển giáo dục mầm non hiện nay chưa tương xứng với vị trí...

(Còn nữa)