Những năm qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng được một mạng lưới thư viện rộng khắp, từ cấp thành phố đến các địa phương. Trong đó, lớn nhất là Thư viện Hà Nội với hàng trăm nghìn tài liệu, gồm các loại sách báo phổ thông cũng như nhiều tài liệu dành cho nghiên cứu khoa học. Các thư viện quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm không chỉ phục vụ bạn đọc theo kiểu "cổ điển" mà thường xuyên có các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc như: Giao lưu, tọa đàm, trưng bày sách, báo… Đối với hệ thống thư viện cơ sở, ngoài những thư viện do chính quyền đầu tư, còn không ít thư viện ra đời từ sự đóng góp của những cá nhân hay cộng đồng hoạt động hiệu quả. Điển hình là thư viện làng Bình Vọng (huyện Thường Tín), thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức), thư viện gia đình ông Trần Đình Tùng (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ)… Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết: "Ngoài thư viện cấp thành phố, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Hà Nội còn bao gồm: 29 thư viện cấp huyện (trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã); 54 thư viện cấp xã, phường; hơn 1.000 thư viện, phòng đọc tại các thôn, làng, tổ dân phố. Đây là những mắt xích quan trọng cung cấp thông tin, tri thức đến người dân".
Mặc dù vậy, hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở còn nhiều khó khăn. Ngay cả thư viện cấp huyện, nhiều địa phương vẫn chưa đầu tư đúng tầm. Thư viện huyện Ứng Hòa được bố trí như một kho sách, không có bàn ghế, thường xuyên đóng cửa. Thư viện huyện Gia Lâm nằm xa khu dân cư, dẫn đến việc khó tiếp cận. Trong khi đó, Thư viện huyện Mỹ Đức thì nằm trong Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Cán bộ Thư viện huyện Đông Anh Ngô Thanh Hương cho biết: "Thư viện huyện Đông Anh hiện giờ không có trụ sở, khuôn viên riêng. Diện tích sử dụng cho hoạt động thư viện hiện nhỏ, hẹp. Đây là những khó khăn rất lớn trong phát triển văn hóa đọc". Trong khi đó, giới trẻ có xu hướng tìm đến các trải nghiệm trên Facebook, TikTok, mà xa rời văn hóa đọc.
Thực tế này đòi hỏi ngành thư viện phải có những đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa đọc. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ Phùng Ngọc Anh cho biết: "Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, giới trẻ thường bị thu hút bởi mạng xã hội. Do đó, hoạt động thư viện cần "bắt nhịp" với xu hướng này. Những năm gần đây, song song với đầu tư cơ sở vật chất, vốn tài liệu và phương pháp tiếp cận để phục vụ đối tượng, Thư viện quận Tây Hồ triển khai việc giới thiệu sách đến bạn đọc bằng các video clip qua kênh truyền thông như YouTube, Fanpage. Thư viện cũng xây dựng danh mục giới thiệu sách bằng mã QR, giúp bạn đọc tra cứu, có thể nghe sách nói hoặc đọc nội dung giới thiệu sách một cách thuận tiện khi dùng điện thoại thông minh". Cùng chia sẻ với quan điểm này, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hai Bà Trưng Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện là một tất yếu. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức, nhưng cũng đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc. Nếu được tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì sẽ phát triển được hoạt động thư viện tốt hơn.
Huyện Phúc Thọ là một huyện nghèo, thư viện huyện chỉ rộng 70m2 nhưng hoạt động khá quy củ. Ngoài phục vụ độc giả tại chỗ, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện còn phát triển văn hóa đọc thông qua mô hình tủ sách ở những làng văn hóa. Một số tủ sách hoạt động hiệu quả như: Tủ sách Cung Sơn (xã Tích Giang), Tủ sách Thư Trai (xã Phúc Hòa)… Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Hoa cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của độc giả thì cần nghiên cứu nhu cầu của từng nhóm đối tượng độc giả. Thư viện huyện Phúc Thọ đã triển khai khảo sát ý kiến của độc giả để hiểu rõ nhu cầu, tâm lý của từng nhóm đối tượng. Thư viện còn triển khai các hoạt động nhằm xây dựng phong trào đọc sách, báo ở cơ sở với nhiều hình thức khác nhau".
Ngoài ra, đại diện nhiều thư viện trên địa bàn thành phố đề xuất các địa phương cần đầu tư đồng bộ hơn cho hạ tầng; các thư viện kết nối để tạo ra một hệ thống tư liệu chung, thực hiện luân chuyển tài liệu giữa các địa phương để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, cùng với sự chủ động của các địa phương, cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; Sở Văn hóa và Thể thao sẽ đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở… để thúc đẩy hoạt động của thư viện.