Thúc đẩy tiềm năng làng gốm Mỹ Thiện

Hơn 200 năm qua, làng gốm cổ Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tồn tại với nét độc đáo bởi các chi tiết trang trí nổi. Có những thời điểm, làng nghề gặp nhiều khó khăn nhưng rồi vẫn vượt qua. Trong làng, vợ chồng nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh (60 tuổi) và Phạm Thị Thu Cúc (54 tuổi) đang mở ra hướng đi mới cho nghề bằng việc kết hợp làm điểm du lịch trải nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm gốm thô chờ đưa vào lò nung.
Sản phẩm gốm thô chờ đưa vào lò nung.

Tinh hoa nghề gốm

Mỗi sản phẩm gốm Mỹ Thiện luôn chứa đựng yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. Ðất sét thô được vợ chồng ông Trịnh lấy từ tầng đất ruộng ở nơi cao ráo, ít ngập úng. Sau khi được bà Cúc hoàn thiện công đoạn tạo hình, bước trang trí bề mặt gốm do ông Trịnh thực hiện. Ðến nay, nghệ nhân Trịnh vẫn giữ nguyên công thức tạo lớp men và kỹ thuật vẽ trang trí từ đời ông nội ông truyền lại. Gốm Mỹ Thiện đặc biệt chính bởi từ những hình đắp nổi như hình rồng, chim, các loài vật…

Nhớ lại ngày còn nhỏ khi học tạo ra men gốm Mỹ Thiện, ông Trịnh cùng cha đi vào núi sâu, tìm đến nơi có loại đá son để lấy về. Có đá son, cả nhà ngồi lại phân loại, sàng lọc vụn rồi xay nhuyễn với hỗn hợp đất trắng, xi-măng, tro củi và nước. Lớp men trắng đục dần hiện ra và được tráng lên gốm thô. Ðiểm nhấn của gốm Mỹ Thiện cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được nằm ở việc tùy theo vị trí trong lò nung sẽ cho ra mầu sắc gốm thành phẩm khác nhau, có thể vàng nâu, xanh lá hoặc tím.

Hơn hai thế kỷ hình thành và phát triển, việc xây dựng lò nung đóng vai trò hết sức quan trọng để từng chiếc hũ, chiếc chậu đất, bình hoa luôn đạt chuẩn sau mẻ lửa. “Mỗi lần tôi bước vô lò nung luôn đem theo thước dây để đo canh chừng đúng kích thước, độ dốc sàn lò. Ðộ dốc nghiêng bao nhiêu độ sẽ quyết định chất lượng gốm sau này. Chỉ cần sơ hở để một chỗ nào đó bị nhô đất cát lên dù chỉ một chút thôi là cả hàng gốm sẽ bị nứt vỡ. Dù đốt hết than củi thì nhiệt độ cũng không đủ làm chín mẻ gốm”, nghệ nhân Trịnh chia sẻ. Kinh nghiệm nhiều đời nay ở làng gốm Mỹ Thiện dạy rằng, nếu người nghệ nhân giữ đúng kích thước lò nung thì chỉ cần đun ba bó củi, gốm đã đủ xanh óng ánh.

Ði sâu vào thực tế làng nghề đòi hỏi trình độ của người nghệ nhân phải trải qua hàng chục năm rèn luyện. Tất cả gốm thô sắp xếp vào lò sao cho ngọn lửa đi đều, tránh làm lửa bị nghẹt. Ðể giảm lượng khói thải ra môi trường, địa phương và ông Trịnh đã thống nhất lò nung gốm hiện tại chuyển từ đốt củi sang đốt trấu. Trong 48 giờ đồng hồ, nhiệt độ lò nung tăng dần lên tiêu tốn khoảng 300kg trấu. Ðây được đánh giá là giải pháp hiệu quả cho cả việc nung gốm và bảo vệ môi trường chung quanh.

Tháo gỡ nút thắt bằng du lịch

Thời điểm này, nguồn nguyên liệu đất sét trong làng không có nhiều. Vợ chồng nghệ nhân Trịnh dự tính xin địa phương lấy đất sét ở các xã lân cận như Bình Nguyên, Bình Long. Một khó khăn nữa là những bậc cao niên có tay nghề tạo hình cho gốm không thể bám trụ bên bàn xoay do vấn đề tuổi tác, sức khỏe. Hơn 30 năm đôi tay dính với đất sét, nghệ nhân Cúc cho biết: “Chừ đi tìm lớp trẻ để truyền dạy nghề thì không ai chịu làm. Nhóm thanh niên trong làng học xong phổ thông đều vô nhà máy, xí nghiệp làm việc. Thu nhập trong đó lại cao hơn so với làm nghề gốm ni”.

Tuy vậy, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm Mỹ Thiện đang có những bước đi đầu tiên. Một tấm biển chỉ dẫn vào làng nghề được gia đình ông Trịnh dựng lên; các đoàn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã kết nối, tìm đến trải nghiệm, học tập về nghề gốm xưa của cha ông. “Thứ nhất là mình phát huy được làng nghề, thứ hai là được Chi hội Mỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi thu thập tư liệu để học sinh học tập. Gia đình tôi đang tạo ra một không gian lớp học nhỏ ngay bên lò nung để các cháu đến như một lớp học. Các cháu sẽ được mang sản phẩm gốm do mình làm về nhà như đồ lưu niệm”, ông Trịnh hào hứng. Ðiều đó tương đồng với quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư rằng, tất cả văn hóa làng nghề nếu không có người kế tục thì sẽ biến mất luôn.

Hiện tại, dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Bình Sơn và Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) thực hiện đã kết nối làng gốm Mỹ Thiện với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, tạo ra một vòng tròn khép kín cùng phát triển du lịch trải nghiệm, học tập.

Dự án này được xem là bước đi tăng cường việc giới thiệu, thúc đẩy giá trị văn hóa của làng gốm cổ Mỹ Thiện trong bối cảnh các làng nghề dần bị mai một. Ðồng thời, tạo thêm một điểm đến thú vị trong hướng đi du lịch cộng đồng toàn tỉnh.