Giải quyết tận gốc “tín dụng đen”
Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu rõ, qua nghiên cứu dự thảo Luật và hồ sơ dự án xây dựng luật, đại biểu nhận thấy có một vấn đề có thể coi là một nhiệm vụ chính trị mà dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết, đó là xóa bỏ “tín dụng đen”.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp. Điều đó chứng tỏ “tín dụng đen” vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ đó, nữ đại biểu kiến nghị, để xóa bỏ “tín dụng đen”, cần giải quyết tận gốc vấn đề: Người dân có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp), song hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch.
Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ, đại biểu nêu rõ.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8, chiều 5/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đại biểu tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận dự thảo đặt vấn đề về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 97.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ chế này có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp “làm những việc pháp luật không cấm”, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện - thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.
Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xóa bỏ tín dụng đen, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.
Tăng cường phòng ngừa rủi ro
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Góp ý một số nội dung cụ thể về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật đã hướng đến tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, song vẫn nặng về phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng.
Theo đại biểu, nên nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro, thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý.
Kiến nghị giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát hoạt động tín dụng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều nhờ chuyển đổi số, song tại dự thảo Luật hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96.
Đại biểu cho rằng như vậy là không đủ, đề xuất việc sửa luật này cần phải nhấn mạnh vào chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt
Trong khi đó, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, cần bổ sung giải thích khái niệm “ngân hàng chính sách” và “công ty tài chính”. Cùng với đó, cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng.
Về quyền hoạt động ngân hàng, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật quy định, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này, bởi hoạt động ngân hàng bao gồm: Nhận tiền gửi, cung cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trên thực tế, nhiều loại doanh nghiệp khác có thể thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ này trong hoạt động kinh doanh.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể hóa, giao cho Chính phủ hướng dẫn, còn phụ thuộc nhiều vào các văn bản dưới luật.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn.
Quan tâm tới vấn đề bao thanh toán, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề mới, hiện nay cách hiểu về khái niệm này của Việt Nam và thế giới còn có khoảng cách, không đồng nhất.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để dự án Luật cập nhật được sự phát triển mới của thị trường tài chính, quy định hợp lý về quy trình thủ tục bao thanh toán, cụ thể hóa quy định cho phép chiết khấu các công cụ chuyển nhượng điện tử.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho biết, về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, khoản 2 Điều 91 của dự thảo Luật quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” khiến cho trong xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án không biết nên áp dụng pháp luật về tín dụng ngân hàng hay theo pháp luật về dân sự. Đại biểu đề nghị cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” để khắc phục hạn chế này.
Luật hóa Nghị quyết xử lý nợ xấu cần sát thực tế trạng thái bình thường
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Làm rõ ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hiện nay, ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành, Thống đốc Ngân hàng cũng nói "còn có thể giảm được nữa".
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so năm 2021 nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý. Do vậy, muốn giải đáp những câu hỏi như thế này thì cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), còn những nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng Nghị định.
Về luật hóa Nghị quyết xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không phải tất cả các nội dung của Nghị quyết 42 đều được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng, bởi Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng như là một luật đặc biệt, áp dụng cho một giai đoạn đặc biệt, còn khi nền kinh tế trở lại bình thường phải ứng xử như trong giai đoạn bình thường.
"Thí dụ, trong giai đoạn đặc biệt trước đây, một khoản thu từ xử lý tài sản thì ưu tiên đầu tiên cho ngân hàng thương mại, sau đó mới đến nộp thuế. Nhưng trong điều kiện bình thường thì thứ tự ưu tiên lại khác, không thể nào như thời kỳ đặc biệt được", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Làm rõ thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời trong bối cảnh nợ xấu ở mức cao, có nhiều giải pháp hết sức đặc biệt.
Đánh giá hiện nay đã kiểm soát nợ xấu tương đối tốt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 phải được đặt trong điều kiện bình thường của nền kinh tế để cân nhắc quy định nào có thể được đưa vào luật, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức tín dụng.