Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau 2 năm triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng và tổ chức tài chính vi mô mở rộng mạng lưới, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn…
Đến ngày 19/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so cuối năm 2020 và tăng 34,5% so thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn).
“Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển”, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Đánh giá về thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết thêm, tình hình tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. “Từ đầu năm 2021, các ngành nghề kinh doanh đòi nợ ở nước ta đã bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng các đối tượng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện thoại, đe dọa sử dụng thông tin cá nhân, mạng điện thoại của người đi vay để xâm phạm quyền cá nhân, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè đồng nghiệp... còn phức tạp”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nêu rõ.
Cũng tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó trước mắt, cần làm cho người dân hiểu về tác hại, hậu quả của tín dụng đen để cảnh giác và đấu tranh… thông qua công tác truyền thông, giáo dục tài chính toàn diện; tiếp tục trấn áp, xử lý nghiêm những người tổ chức, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả các tổ chức chính thức và phi chính thức; tăng cường các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính các tổ chức tín dụng.
“Đặc biệt, để giải quyết được căn cơ vấn đề tín dụng đen cần có 4 giải pháp. Theo đó, đời sống của người dân phải được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo tiếp tục được giảm xuống mạnh mẽ để không rời vào tình cảnh “nhắm mắt đưa chân” tới tín dụng đen. Cùng với đó, dân trí cũng cần được nâng cao, đây là điều kiện để giải quyết tín dụng đen”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.