Nỗ lực giảm lãi suất, xử lý hiệu quả nợ xấu

NDO -

Giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là một nhiệm vụ trọng tâm Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện, cùng với chỉ đạo điều hành thực hiện nghiêm các quy định nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý hiệu quả nợ xấu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: LINH KHOA)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: LINH KHOA)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ ba, chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trong đó tập trung vào thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, cùng với thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Mở rộng tín dụng đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến những vấn đề về tín dụng và lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, có thể thấy điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực khá lớn, từ những áp lực lạm phát và xu hướng tăng lãi suất trên thế giới, trong khi ở trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung-cầu vốn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích, từ đầu năm đến nay, chỉ trong 5 tháng khi doanh nghiệp và người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại thì tín dụng đã tăng trưởng lên đến 8%. Đây là một mức khá cao so với mục tiêu định hướng của năm 2022 là 14%, cho thấy áp lực này lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết và cơ bản ổn định được mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,09% so đầu năm ngoái.

Trước câu hỏi của đại biểu liên quan việc Nghị quyết số 43 của Quốc hội có yêu cầu chính sách tiền tệ phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% đến 1% trong 2 năm 2022-2023, Thống đốc cho biết, trong điều hành lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả các công cụ, giải pháp điều hành khác để làm sao vẫn phải kiên định được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Nếu như có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm các chi phí trong hoạt động để cố gắng giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Nỗ lực giảm lãi suất, xử lý hiệu quả nợ xấu -0
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về điều hành lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Về lãi suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Thống đốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng có nhiều điều kiện bị hạn chế hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác về tình hình tài chính, khả năng quản trị hay thương hiệu…, nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhất là thời gian dịch bệnh 2 năm 2020 và 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Trong 2 năm, tổng lượng lãi suất giảm khoảng 47-48 nghìn tỷ đồng. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đây là những cố gắng chia sẻ của hệ thống ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận nhưng Nhà nước cũng đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng đã ra các nghị định, có các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với lĩnh vực tín dụng cũng có 1 quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay của hệ thống các tổ chức tín dụng. Ở các địa phương, đến nay có khoảng 29 quỹ bảo lãnh tín dụng.

Theo Thống đốc, trong thời gian tới sẽ thực hiện đánh giá, tổng kết hoạt động của các quỹ bảo lãnh này thì sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được vốn vay của hệ thống các tổ chức tín dụng. Về phía ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để có những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quyết tâm xử lý hiệu quả nợ xấu

Đối với câu hỏi liên quan đến Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế đánh giá tổng kết có một số khó khăn, vướng mắc, nhưng điều quan trọng trong Nghị quyết 42 là cho phép người cho vay thu giữ tài sản bảo đảm, cũng như được bán những khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị tài sản bảo đảm.

Nỗ lực giảm lãi suất, xử lý hiệu quả nợ xấu -0
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chiều 8/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Theo Thống đốc, đây là 1 điểm “vô cùng quan trọng”, khi tổng kết số liệu triển khai Nghị quyết 42 trong số 541 nghìn tỷ đồng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thì có tới 380 nghìn tỷ đồng xử lý được, trong đó khoảng 40% là các khoản mà khách hàng tự trả nợ.

“Đây là một điểm rất quan trọng, mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc nhưng sự kéo dài của Nghị quyết 42 cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp tục xử lý nợ xấu”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Bàn thêm về các giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng cũng như xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các quy định về cho vay, bảo đảm cho vay phải đủ các điều kiện và có những phần trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu phát sinh. Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động trích lập dự phòng trong 3 năm để chủ động giải pháp xử lý nợ xấu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặc dù có những khó khăn nhưng Nghị quyết 42 rất hiệu quả đối với xử lý nợ xấu, vì nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu tới đây sẽ rất khó khăn. “Khi nợ xấu không được xử lý thì doanh nghiệp vẫn treo nợ xấu, như vậy rất khó tiếp cận với các khoản vốn tín dụng của ngân hàng” - Thống đốc nêu rõ.

Theo Thống đốc, nếu kéo dài sửa đổi, trong Nghị quyết 42 sẽ là những chính sách mới, có liên quan đến nhiều quy định của pháp luật, đòi hỏi thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội xin kéo dài toàn bộ thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Thống đốc nêu rõ, trong thời gian Nghị quyết gia hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ, ngành rà soát, tham mưu về cách thức luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV