Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu

NDO - Tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, khẳng định Nghị quyết 42 đã mang đến kết quả rất tốt, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc cần phải được tháo gỡ, song song với việc chuẩn bị luật hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thời điểm cuối tháng 9/2012, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu ở mức 17,2% tổng dư nợ. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nợ xấu đã làm u ám thêm bức tranh kinh tế vĩ mô, gây ngưng trệ quá trình chu chuyển của dòng tiền trong nền kinh tế và đặc biệt là đóng băng phần lớn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Việc hóa giải khối băng nợ xấu trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tháng 5/2013, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi tắt là VAMC) với nhiệm vụ mua lại số nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế. Theo số liệu từ VAMC, tính từ khi bắt đầu hoạt động đến 30/6/2022, định chế này đã mua nợ thông qua trái phiếu đặc biệt tới 408.341 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua 375.632 tỷ đồng; mua nợ thị trường đạt 11.822 tỷ đồng. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống tổ chức tín dụng, VAMC đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán đối với các ngân hàng; qua đó, thiết lập trở lại quan hệ tín dụng sau một thời gian dài bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chỉ thực sự tạo nên bước đột phá khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài trong 5 năm, kể từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2022. “Đến nay, Nghị quyết 42 liệu đã hoàn thành sứ mệnh? Chúng ta đều thấy rằng mang đến kết quả rất tốt, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc. Gần đây, cả Chính phủ và Quốc hội đều thấy phải có giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc đó song song với việc chuẩn bị luật hóa. Nhiệm vụ như vậy cũng rất cấp bách và quan trọng”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Cũng theo nhận định của TS Cấn Văn Lực: theo tính toán của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, có 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022. Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3-7,6% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023. Theo kịch bản cơ sở, GDP tăng 6,8-7,1%. Trường hợp tiêu cực, GDP tăng 6-6,5%. CPI bình quân tăng lên mức 3,8-4,2%.

“Trước bối cảnh đó, dự báo năm nay nợ xấu nội bảng sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. Lý do là bây giờ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 hết hiệu lực và thông tư này nếu như không được gia hạn, những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm và đương nhiên nợ xấu sẽ tăng. Hiện nay kinh tế đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng đồng nghĩa với nợ xấu tiềm ẩn sẽ giảm tương ứng và nợ xấu gộp sẽ giảm nhẹ”, TS Lực cho biết. Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.

Nhằm tránh khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu, Quốc hội đã cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).