Cần kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để bảo đảm xử lý nợ xấu hiệu quả

NDO -

Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian qua cho thấy các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, do đó việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cần thiết để bảo đảm tính hiệu lực, liên tục, tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết hết hiệu lực ngày 15/8 tới.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 sáng 25/5. (Ảnh: LINH KHOA)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4 sáng 25/5. (Ảnh: LINH KHOA)

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Nghị quyết số 42 tạo cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Điện Biên) cho biết, ở thời điểm Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết năm 2017, nợ xấu nội bảng cộng với ngoại bảng là hơn 10%. Quốc hội khi đó đã xác định nợ xấu là “cục máu đông” của nền kinh tế, và những “cục máu đông” này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của hoạt động của hệ thống ngân hàng, vốn được coi là “mạch máu” của nền kinh tế, đồng thời gây lãng phí nguồn lực nếu không được xử lý.

Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 42 giúp ngành ngân hàng giải quyết nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo báo cáo của Chính phủ, kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết tại thời điểm ngày 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để bảo đảm xử lý nợ xấu hiệu quả -0
 Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: LINH KHOA)

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đánh giá đây là nguồn lực rất lớn đã được giải phóng để đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các doanh nghiệp, khiến ngành ngân hàng một lần nữa đứng trước nguy cơ nợ xấu gia tăng. Đại biểu cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cần thiết, giúp các ngân hàng tiếp tục xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu và các khoản nợ nguy cơ thành nợ xấu.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho biết, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực. Việc thi hành Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian qua, mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu.

Do đó, kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 sẽ giúp bảo đảm tính hiệu lực, liên tục, tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết hết hiệu lực vào ngày 15/8 tới. Đại biểu đề xuất Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, và cần luật hóa vấn đề này.

Cần sự phối hợp đồng bộ trong quá trình triển khai Nghị quyết

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 42, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết trong quá trình triển khai Nghị quyết còn nhiều khó khăn, bất cập, do đó cần tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn từ các cơ quan, ban ngành, địa phương.

Theo đại biểu, thời gian qua, việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả chưa cao ở một số địa phương. Nhiều địa phương và các cơ quan hữu quan trên địa bàn cũng chưa quyết liệt, xem đây là việc riêng của ngành ngân hàng nên còn nhiều vướng mắc trong phối hợp xử lý. Công tác phối hợp giữa ngành công an và ngân hàng ngày càng chặt chẽ, song vẫn còn tồn tại bất cập như các tổ chức tín dụng không hoặc hạn chế trong việc cung cấp thông tin tài liệu về nợ xấu; thời gian cung cấp thông tin rất chậm trễ.

Một số tổ chức tín dụng tìm nhiều lý do để kéo dài thời gian cung cấp, hoặc không cung cấp thông tin tài liệu theo quy định tại Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan điều tra. Do vậy, đại biểu cho rằng cần có các biện pháp, chế tài đối với việc cung cấp thông tin của tổ chức tín dụng.

Cần kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để bảo đảm xử lý nợ xấu hiệu quả -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang). (Ảnh: KHOA NGUYÊN) 

Tham gia góp ý trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, báo cáo tổng kết của Chính phủ chủ yếu tập trung đánh giá quá trình xây dựng Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu, tình trạng nợ xấu; tuy nhiên việc thực hiện từng chính sách thí điểm trong Nghị quyết như thế nào, ưu điểm, nhược điểm, vướng mắc của từng chính sách ra sao lại chưa được làm rõ. Đại biểu kiến nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn vào từng chính sách, qua đó làm cơ sở hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan các tổ chức tín dụng cũng như xử lý nợ xấu.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Danh Tú, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Điện Biên) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp các bộ, ngành rà soát các nội dung chưa phù hợp, còn vướng mắc hoặc không còn phù hợp với thực tiễn trong Nghị quyết để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới giúp giải quyết một cách lâu dài, căn cơ các khoản nợ ngành ngân hàng.