Thu hút thêm gần 224 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội

Hiện cả nước có hơn 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 224 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ bao phủ 37,2% lực lượng lao động trong độ tuổi .
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QUANG THỌ)
Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. (Ảnh: QUANG THỌ)

Gia tăng các chỉ tiêu phát triển đối tượng

Ngày 2/10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 10 năm 2023. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, dự thảo nghị định, thông tư liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tới nay, có khoảng 17,308 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 223,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt khoảng 15,88 triệu người, và số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,428 triệu người.

Cụ thể là các văn bản như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;…

Cùng với đó , xây dựng, hoàn thiện các văn bản báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành. Cơ quan này cũng cho hay, các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tới nay, có khoảng 17,308 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 223,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt khoảng 15,88 triệu người, và số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,428 triệu người.

Cả nước có 14,173 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 69,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 91,467 triệu người; tăng 4,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Thu hút thêm gần 224 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội ảnh 1

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TÂM TRUNG)

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành tiếp tục được chú trọng. Trong đó, đẩy mạnh việc triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Một trong những điểm được bảo hiểm xã hội địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Toàn ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục chủ động tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch.

Về công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ-Thẻ Dương Văn Hào đánh giá, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều tăng nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Hào cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; sở kế hoạch-đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để xác định hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đối với công tác chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc thông tin trong số chi trong những tháng cuối năm rất cao, đặc biệt ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phúc nhận định việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh những tháng cuối năm là rất lớn, ước cả năm dự kiến chi hơn 120.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vượt từ 18-22%.

Ông Phúc cũng lưu ý, những tháng cuối năm 2023, tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác giám định. Bên cạnh đó, các tỉnh cần thực hiện đúng quy trình giám định bảo hiểm y tế; tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các giải pháp bảo đảm, tăng cường quyền lợi cho người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số địa phương, lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết đã yêu cầu bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để có phương án đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người đi khám, chữa bệnh.

Quan tâm đến công tác sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội

Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Đỗ Ngọc Thọ lưu ý, bảo hiểm xã hội các địa phương quan tâm đến công tác sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Căn cứ tình hình địa phương, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác này. Đồng thời, ông đề nghị các địa phương rà soát đối tượng nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, tăng cường thanh tra-kiểm tra quy trình thực hiện nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua. Cụ thể là: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn. Đó là: (1) Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; (2) Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; (5) Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; (6) Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; (8) Về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (9) Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; (10) Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; (11) Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và dự kiến thông qua thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào năm 2024.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và dự kiến thông qua thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào năm 2024.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn ngành đạt được trong 9 tháng đầu năm. Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội chung của cả nước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, toàn ngành đã thực hiện được một số nhiệm vụ tích cực. Trong đó độ bao phủ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022, riêng lĩnh vực bảo hiểm y tế có thể hoàn thành 93,2% độ bao phủ toàn dân tham gia.

Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan đến nhiệm vụ của ngành thời gian tới. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, bảo đảm tăng trưởng bền vững.