Cần giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tạo cơ sở, nền tảng để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ThS Điều Bá Được (trong ảnh) nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để có thể giải quyết vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Cần giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Phóng viên: Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, tại Việt Nam, phần lớn trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần là để đối phó tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn, kết hợp với những suy nghĩ ngắn hạn cố hữu của người lao động. Ông có thể nêu rõ hơn về thực trạng này?

ThS Điều Bá Được: Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiếp tục gia tăng, bởi hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn). Mặt khác, khi tìm hiểu về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, đã xuất hiện tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần để "chạy" Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Người lao động cho rằng, khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực họ sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, hoặc quyền lợi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ bị giảm đi so với quy định hiện hành.

Đây có thể coi là một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, cần phải kịp thời chỉ đạo, tăng cường công tác truyền thông, đối thoại, cung cấp thông tin về quá trình xây dựng Đề án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và nội dung sửa đổi cả trước, trong, và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua.

Việc này cần tập trung làm đến nơi đến chốn, làm có hiệu quả nhằm làm cho người lao động - là nhóm đối tượng bị tác động trực tiếp của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiểu và được tham gia đóng góp xây dựng để Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mang tính khả thi cao.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những hệ quả của việc rút bảo hiểm xã hội một lần; nguyên nhân chính của tình trạng này?

ThS Điều Bá Được: Rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động sẽ thiệt thòi hơn là tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu. Hưởng lương hưu hằng tháng sẽ bảo đảm đời sống không phải dựa vào gia đình, xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khi chết được hưởng trợ cấp mai táng và chế độ tử tuất.

Về kinh tế, mỗi năm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương (gồm cả phần đóng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động và người lao động) nhưng khi rút một lần người lao động chỉ được nhận 1,5 tháng lương/ 1 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với số năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương/ 1 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với số năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, người lao động thiệt ít nhất là 0,64 tháng lương cho mỗi năm đóng nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, số tiền nhận về sẽ thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội.

Về kinh tế, mỗi năm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 2,64 tháng lương (gồm cả phần đóng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động và người lao động) nhưng khi rút một lần người lao động chỉ được nhận 1,5 tháng lương/ 1 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với số năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương/ 1 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với số năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, người lao động thiệt ít nhất là 0,64 tháng lương cho mỗi năm đóng nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, số tiền nhận về sẽ thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội.

ThS Điều Bá Được

Ngoài ra, đã rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động tự tước bỏ cơ hội được nhận lương hưu khi về già, không được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp hoặc khi chết thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất, không có thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau sẽ phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân sẽ không đạt được, số người già không có lương hưu sẽ gia tăng, cùng với sức ép của quá trình già hóa dân số sẽ gây áp lực lớn đối với ngân sách nhà nước phải tăng chi để bảo đảm an sinh xã hội...

Phóng viên: Theo ông, để khắc phục tình trạng xin rút bảo hiểm xã hội một lần, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần tập trung vào những nội dung gì?

ThS Điều Bá Được: Bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất nóng được người lao động hết sức quan tâm trong suốt 30 năm qua. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, bảo hiểm xã hội một lần cũng là nội dung được người lao động rất quan tâm, có rất nhiều ý kiến tham gia, bàn luận rất sôi nổi.

Để đưa ra được phương án tối ưu nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ về tâm tư, nguyện vọng từ phía người lao động. Qua nghiên cứu các nội dung phản ánh của người lao động, để khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc các vấn đề có liên quan.

Xuất phát từ thực tiễn, tiếp thu ý kiến của người lao động, việc sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội một lần kéo theo sẽ phải sửa hàng loạt các quy định có liên quan đến chế độ bảo hiểm hưu trí, trợ cấp hưu trí xã hội. Tôi xin đề xuất bãi bỏ Điểm a, Khoản 1, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Lý do đề xuất bãi bỏ là để đáp ứng với nguyện vọng của người lao động đã phản ánh ở nội dung nêu trên, hướng tới bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Khẳng định rõ cho người lao động nắm được quan điểm nếu đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nhất từ đủ 1 năm (đủ 12 tháng) trở lên thì khi về già người lao động sẽ được quỹ Bảo hiểm xã hội chăm lo, mức trợ cấp tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương hoặc thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ đủ 20 năm xuống còn đủ 15 năm là phù hợp. Các quy định này sẽ có liên quan đến thời gian hưởng và mức hưởng. Thời gian đóng ngắn, thời gian hưởng dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.

Mặt khác, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn từ đủ 15 năm dẫn đến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp, mức lương hưu của người lao động sẽ rất thấp; điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người về hưu và gây tâm lý lo lắng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc người đang bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội không muốn chờ đến khi đủ tuổi để nhận lương hưu.

Để giải quyết vấn đề này, cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngoài khu vực nhà nước với mức tiền lương làm căn cứ đóng rất thấp chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức tiền lương tối thiểu vùng gây thiệt hại cho người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nên quy định mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp nhất bằng 70% số tiền người lao động thực nhận để họ đỡ thiệt thòi khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là lương hưu rất thấp sau này.

Mặt khác, cần phải nghiên cứu quy định về mức sàn lương hưu hay mức lương hưu tối thiểu phải bảo đảm đủ sống, qua đó, tạo được niềm tin cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề hết sức nan giải không chỉ với nước ta mà với hầu như tất cả các nước thực hiện mô hình đóng - hưởng.

Tôi đề nghị bổ sung quy định được vay khi gặp khó khăn đột xuất từ quỹ Bảo hiểm xã hội. Đối với người đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu gặp khó khăn đột xuất mà không tự khắc phục được có nhu cầu vay thì được quỹ Bảo hiểm xã hội cho vay, lãi suất bằng lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội tại thời điểm cho vay. Sau khi khắc phục khó khăn thì hoàn trả lại quỹ Bảo hiểm xã hội gồm cả gốc và lãi.

Quy định này nhằm giúp người lao động có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt mà không phải rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc mang sổ bảo hiểm xã hội, sổ hưu đi thế chấp để vay tiền với lãi suất cao.

Đề nghị giữ nguyên quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với các trường hợp: mắc bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng; ra nước ngoài để định cư. Đối với trường hợp vì lý do bất khả kháng, khi người lao động đã nghiên cứu kỹ, nắm được tất cả các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan nhưng vẫn không thể tự khắc phục được khó khăn vì lý do bất khả kháng, có nhu cầu xin rút bảo hiểm xã hội một lần thì giải quyết cho người lao động được nhận bảo hiểm xã hội một lần mà không phải chờ sau 12 tháng như quy định hiện hành..

Có thể thấy, bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nóng, đề nghị cần tập trung nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến rộng rãi từ người lao động - là nhóm sẽ bị tác động của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), từ đó có phương án xử lý, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, cần truyền thông rộng rãi, kịp thời đến người lao động, qua đó, tạo sự đồng thuận nhất định, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện về sau.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, giai đoạn từ 2016-2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, ước tính có khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo khảo sát nhanh vào tháng 4/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động dự kiến chi tiêu số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần để tập trung vào các khoản: Tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%), dùng để trả nợ (44,7%). Việc sử dụng số tiền bảo hiểm xã hội một lần của người lao động chủ yếu là để giải quyết nhu cầu trước mắt, không mang lại hiệu quả, thậm chí chi tiêu hết trong khoảng thời gian ngắn, không có lợi cho tương lai lâu dài.