Việc sửa đổi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội hiện đã và đang bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ…
Tập trung mở rộng diện thụ hưởng bảo hiểm xã hội
Ngay sau khi Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trình bày tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bám sát năm chính sách được Quốc hội thông qua như: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Về một số vấn đề lớn tại Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: Dự thảo bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều…
Đối với nội dung về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Đồng thời, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung quy định, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm. Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên hơn 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội, với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Mở rộng diện bao phủ không phải việc của riêng ngành Bảo hiểm xã hội
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, về việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của dự án luật không phải là chìa khóa duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, cơ quan soạn thảo cần đưa ra nhiều giải pháp khác để mở rộng độ bao phủ...
Nhận xét dự thảo Luật nêu trên đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tuy nhiên Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, ông Đinh Ngọc Quý cho rằng, cần xem xét và giải quyết các vấn đề khó như khi giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng bảo hiểm xã hội-mức độ phù hợp như thế nào, sẽ tác động thế nào đến tổng thể bức tranh thị trường lao động; cơ chế giải quyết bảo hiểm xã hội một lần; các thông số liên quan đến quyền lợi của người lao động có được bảo đảm?
Bên cạnh đó, liên quan đến việc mở rộng diện bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gần như giao vấn đề này cho ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà chưa có sự tham gia của các ngành, địa phương. "Thực chất vai trò của quản lý nhà nước rất quan trọng trong mở rộng bảo hiểm xã hội, chúng ta thúc đẩy thực thi thế nào, mở rộng đối tượng là vấn đề rất khó. Rất nhiều việc phát sinh cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương.
Do đó, các ngành phải tham gia vào việc nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Qua giám sát cho thấy, ngành Bảo hiểm xã hội đã làm hết sức, dùng công cụ kết nối cơ quan thuế, kế hoạch-đầu tư…, nhưng gần như số liệu của các địa phương "vênh" nhau; rà soát các đơn vị này có tăng người nhưng tất cả đều không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội"- ông Đinh Ngọc Quý phân tích.
Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật Bảo hiểm xã hội bám vào định hướng chính trị với 11 nhóm cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với mục tiêu xây dựng bảo hiểm xã hội Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Có những nhóm chính sách đã thể chế như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; các gói chính sách; giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền…
Cái gì gây bức xúc thì sửa ngay, cái gì không phù hợp thì thay thế. Song, mục tiêu vẫn phải xây dựng bảo hiểm xã hội hoàn toàn khác với bảo trợ xã hội, nếu tiếp cận bảo hiểm xã hội theo hướng bảo trợ xã hội là rất nguy hiểm. Việc phát triển, mở rộng bảo hiểm xã hội khó khăn rất nhiều, bởi đại đa số tiền tham gia bảo hiểm xã hội là của người dân, nên bảo hiểm xã hội bao phủ được 38% lực lượng lao động là sự cố gắng rất lớn..., và cần sự vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị.