Thu hút nguồn lực đầu tư công viên

Thời gian qua, nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn Hà Nội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, tạo các không gian xanh để người dân, khách du lịch đến tham quan, dạo chơi, thư giãn.
0:00 / 0:00
0:00

Đáng chú ý, từ cuối năm 2022, Sở Xây dựng, quận Hai Bà Trưng đã phối hợp cải tạo Công viên Thống Nhất hạ hàng rào sắt ngăn cách địa giới công viên với hè phố Trần Nhân Tông, tạo thành không gian mở, kết nối với không gian phố đi bộ khu vực này.

Công ty Công viên Thống Nhất đã chủ động cải tạo vườn hoa, tiểu cảnh, trồng 10.000 cây hoa hồng thành vườn hoa dài 300m, diện tích 2.000m2 từ khu vực tượng đài Công an nhân dân đến cổng chính của công viên trên đường Trần Nhân Tông.

Bên trong công viên, đơn vị cải tạo, nâng cấp cảnh quan; sửa chữa, nâng cấp thiết bị vui chơi, giải trí, ốp vật liệu gốm khu vực nhà gương; tăng cường chiếu sáng...

Từ khi không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận đi vào hoạt động, công viên trở thành nơi thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, giới thiệu các sản vật địa phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ,... đã giúp cho công viên sống động hơn, lượng khách tăng từ 20 đến 30%; dịch vụ giải trí cũng tăng 30%... so với trước đây.

Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương cải tạo ba công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo với kinh phí 886,4 tỷ đồng từ ngân sách trong giai đoạn 2024-2026.

Trong đó, thành phố dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng cho Công viên Bách Thảo. Thành phố dự kiến phá bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh Công viên Thống Nhất để vận hành theo hình thức công viên mở.

Sau khi bỏ hàng rào, việc bảo đảm an ninh, trật tự sẽ được tăng cường, bổ sung biện pháp quản lý như lắp hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng. Với Công viên Thủ Lệ và Công viên Bách Thảo, thành phố sẽ tập trung cải tạo, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp.

Do đây là hai công viên có tính đặc thù, cho nên thành phố đang cân nhắc các phương án xây dựng công viên mở vừa bảo đảm an toàn, vừa hài hòa với cảnh quan khu vực.

Cùng với việc cải tạo ba công viên nêu trên, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), Công viên CV1 (quận Cầu Giấy), Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa-Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Hiện tại Sở Xây dựng Hà Nội đôn đốc các chủ đầu tư và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên xây mới, hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.

Đáng chú ý, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, thành phố Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.

Những nỗ lực này của thành phố sẽ tạo sinh khí mới cho các công viên cũ, đồng thời đa dạng các nguồn vốn đầu tư xây mới các công viên, vườn hoa để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo thêm nhiều diện tích xanh trên địa bàn thành phố.