Thiếu chế tài, khó xử lý xe “dù” núp bóng xe hợp đồng

Xe hợp đồng - một hình thức biến tướng của xe “dù” và đang gia tăng nhanh chóng về số lượng trên địa bàn Hà Nội trong những năm gần đây. Loại phương tiện này ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nội đô, gây bức xúc trong giới kinh doanh vận tải bởi sự cạnh tranh không lành mạnh.

Trên đường Giải Phóng có tình trạng nhiều xe "dù" núp bóng xe hợp đồng của các công ty vận tải thường xuyên ra vào thành phố để đón, trả khách sai quy định. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Trên đường Giải Phóng có tình trạng nhiều xe "dù" núp bóng xe hợp đồng của các công ty vận tải thường xuyên ra vào thành phố để đón, trả khách sai quy định. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Xe hợp đồng phát triển nhanh trong những năm gần đây do nhu cầu đưa đón cán bộ, học sinh của các cơ quan, trường học tới thành phố làm việc. Đây là loại hình vận tải cần thiết nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, do quy định quản lý chưa chặt chẽ, cho nên phương tiện này bùng phát và biến tướng thành loại hình kinh doanh vận tải khác, gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Nhất là từ khi Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng dưới hình thức dịch vụ Uber và Grab, đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết đối với công tác quản lý nhà nước về loại hình vận tải này. Bởi trong thực tế phần lớn xe hợp đồng loại dưới tám chỗ đang được sử dụng để chạy là hình thức dịch vụ Uber và Grab.

Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), thành phố hiện có khoảng 11 nghìn xe hợp đồng, chủ yếu hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố. Trong số này, những xe hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng chỉ chiếm số lượng nhỏ, còn lại hoạt động như ta-xi hoặc xe khách liên tỉnh. Phương tiện dạng này sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu như không có sự giới hạn về số lượng xe, điều kiện đăng ký kinh doanh, nhất là loại hình Uber và Grab đăng ký rất dễ dàng thông qua hình thức hợp đồng điện tử. Sự gia tăng nhanh chóng loại hình vận tải này đã gây áp lực cho hạ tầng giao thông, phá vỡ quy hoạch giao thông, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng công tác thu thuế…

Theo quy định, xe hợp đồng phải gắn phù hiệu “Xe hợp đồng”, phải niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe, chỉ được phép đón, trả khách đã ghi trong hợp đồng… Thế nhưng, hầu hết các chủ phương tiện đều không thực hiện đúng quy định này vì họ đang kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định trá hình và có nhiều cách “lách luật”. Hơn nữa, quy định hiện hành lại cho phép các xe dưới 10 chỗ ngồi được thực hiện hợp đồng vận chuyển mà không phải thông báo với Sở Giao thông vận tải về điểm khởi hành, điểm kết thúc, lộ trình đi, số lượng khách, thời gian thực hiện hợp đồng… Vì vậy, cơ quan chức năng rất khó nhận dạng phương tiện để kiểm tra, xử lý. Đây chính là kẽ hở cho “xe dù, bến cóc” lộng hành. Theo thống kê, có 29 điểm tập trung các loại xe bảy chỗ, chín chỗ, đón, trả khách “chui” trong nội thành. Trong đó, riêng quận Hoàn Kiếm có mười điểm, quận Thanh Xuân có sáu điểm, quận Bắc Từ Liêm có bốn điểm, quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy - mỗi nơi có ba điểm, quận Hoàng Mai có hai điểm và quận Đống Đa một điểm. Mặc dù biết “đường đi nước bước” của phương tiện nhưng lực lượng thanh tra giao thông vẫn rất khó khăn trong quá trình kiểm soát, xử lý.

Thí dụ như trường hợp lập biên bản xử phạt xe mười chỗ đang đón, trả khách trái quy định ở phố Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) ngày 2-3, cán bộ chức năng gặp phải sự phản ứng của cả chủ xe và khách. Họ dứt khoát cho rằng, chỉ đỗ xe trước cửa văn phòng công ty chứ không phải dừng đón khách. Trường hợp khác, thanh tra giao thông đã bám theo một xe bảy chỗ đi lòng vòng đón khách và tới điểm dừng nhận khách tại ngách nhỏ bên cạnh tòa nhà A5, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Nhưng khi được yêu cầu dừng xe để kiểm tra, lái xe đã không chấp hành và hành khách thì bao che bằng cách nhận đã có hợp đồng thuê xe. Theo phản ánh của một số thanh tra giao thông, hành khách đang ưa chuộng loại xe này bởi nó tiện nghi và di chuyển thuận lợi hơn xe khách to rất nhiều. Vì vậy, khi hành khách bênh vực, che giấu cho nhà xe, thì lực lượng chức năng khó có đủ căn cứ xử lý. Dù “được lòng” người dân nhưng hoạt động sai quy định của phương tiện này dẫn đến hệ quả là quản lý nhà nước không triệt tiêu được tình trạng “xe dù, bến cóc”. Số lượng lớn xe khách liên tỉnh chạy lòng vòng trong nội thành làm tăng mật độ giao thông và tai nạn giao thông. Trong khi đó, doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại các bến xe không có khách đi xe, nhưng vẫn phải trả các loại thuế, phí.

Tương tự, xe Uber và Grab cũng không hề có phù hiệu, lưu thông trên đường giống hệt phương tiện cá nhân, nhưng thực chất là kinh doanh ta-xi. Đáng báo động ở chỗ, phương tiện này không đăng ký ngành kinh doanh vận tải mà đăng ký “dịch vụ hỗ trợ kết nối” với thủ tục rất đơn giản, chỉ trong vòng 15, 20 phút. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này lại không chịu khai báo số lượng phương tiện đã kết nối tham gia mạng lưới Uber, Grab. Người sử dụng hai dịch vụ này cũng chỉ cần tải phần mềm về điện thoại thông minh của mình và kết nối. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được số lượng phương tiện đang hoạt động như loại hình vận tải ta-xi này. Số lượng xe Uber và Grab cũng tăng vọt thời gian gần đây do kinh doanh dễ dàng hơn, ít điều kiện ràng buộc so với các doanh nghiệp ta-xi. Để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải đã phải cấm xe ta-xi hoạt động trên nhiều tuyến đường, khu vực trong một số khung giờ; đồng thời hạn chế số lượng xe cũng như đăng ký mới doanh nghiệp hoạt động ta-xi. Thế nhưng, với ta-xi Uber và Grab, chưa có cách nào để cấm đoán hay kiểm soát.

Thực trạng nêu trên cho thấy cần khẩn trương siết chặt quản lý loại hình xe hợp đồng và xe Uber, Grab. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, mặc dù đã đẩy mạnh kiểm tra, rà soát nhưng chưa đạt hiệu quả, do còn thiếu các chế tài xử lý. Mới đây, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dừng việc thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, không để phát sinh thêm số lượng phương tiện loại này. Bộ Giao thông vận tải cũng đang tiến hành sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP, trong đó sẽ có những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn loại hình xe hợp đồng.