Thích ứng với hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 27/3, tại Cần Thơ, báo Tiền Phong phối hợp Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khốc liệt.

Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%.

Mặn xâm nhập mùa khô năm 2023-2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Ngay từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các sông theo đỉnh triều trong ngày.

Từ tháng 12/2023 cho đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3 này. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu từ 40-66 km, có nơi sâu hơn.

Tính đến nay, mức độ mặn xâm nhập ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ so với năm 2016, năm hạn, mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thích ứng với hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu trình bày nhiều tham luận về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời chia sẻ thông tin kinh nghiệm để thích ứng với tình trạng này ngày càng tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chủ động thích ứng, sống chung với hạn mặn, ngành chức năng cần có dự báo sớm tình hình hạn mặn hằng năm để các địa phương trong vùng chủ động điều hành sản xuất mùa vụ hợp lý, nhất là vụ lúa đông xuân để hạn chế thiệt hại.

Ngoài thay đổi lịch thời vụ, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương quan tâm đầu tư các dự án cống, đê bao ở các cửa sông để ngăn mặn, trữ ngọt và vận hành hợp lý. Các dự án thủy lợi lớn như: Cái Lớn-Cái Bé, Ba Lai, Mang Thít… mang lại hiệu quả cho các tỉnh ven biển.

Ngoài ra, các địa phương, người dân cần quan tâm trong việc trữ nước ngọt, chủ động cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết để không bị động, bất ngờ vì hạn mặn xảy ra hằng năm…