Bảo đảm nước sinh hoạt ở vùng hạn, mặn

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa trải qua đợt xâm nhập mặn cao điểm trong mùa khô 2023-2024 khiến hơn 15 nghìn hộ dân thuộc nhiều địa phương bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt. Theo nhận định, từ nay đến hết mùa khô 2023-2024 sẽ tiếp tục có thêm một số đợt xâm nhập mặn, vì vậy các địa phương cần chủ động các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra nguồn nước sinh hoạt ở vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh NGUYỄN SỰ)
Kiểm tra nguồn nước sinh hoạt ở vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh NGUYỄN SỰ)

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn cao đến hết mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt”.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia và các cơ quan chuyên môn, từ nay đến hết mùa khô 2023-2024, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một số đợt xâm nhập mặn nữa. Các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở vùng cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện trong các ngày từ 24 đến 28/3; ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn từ 24 đến 28/3, từ 8 đến 13/4 và từ 22 đến 28/4. Các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 50 đến 65 km (tùy từng cửa sông); ranh mặn 4 g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 80 đến 85 km.

Theo Cục Thủy lợi, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 14 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó khoảng 8,5 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.

Qua thống kê, toàn vùng có khoảng 3.928 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 30% số lượng công trình sử dụng nước mặt. Tổng công suất cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngày đáp ứng được khả năng cấp nước tập trung khoảng 66% dân số nông thôn. Đối với mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình, khu vực này có khoảng một triệu hộ sử dụng loại hình cấp nước nhỏ lẻ, trong đó chủ yếu là hình thức khai thác bằng giếng khoan.

Tỷ lệ sử dụng giếng cao ở các khu vực như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh nơi có nguồn nước ngầm tương đối tốt. Hộ gia đình sử dụng nước mặt từ sông, kênh, ao hồ phổ biến ở các tỉnh: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang. Mặc dù vậy, chất lượng và số lượng nước không ổn định, đặc biệt là các tháng mùa khô.

Thời gian gần đây, do diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan và sự phân bố dân cư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không đồng đều đã ảnh hưởng đến công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn trong mùa khô năm 2023-2024. Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: “Đến nay, khu vực này có khoảng 15.274 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, cụ thể: Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.960 hộ, Cà Mau 3.914 hộ. Một số hạng mục công trình bị hỏng ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn nước suy giảm, nhiễm mặn, dẫn đến công trình không đáp ứng yêu cầu công suất cấp nước cho các hộ dân”.

Tại tỉnh Bến Tre, 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với tổng công suất khoảng 250.000m³/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Nhưng đợt xâm nhập mặn vừa qua các nhà máy nước gặp nhiều khó khăn do nguồn nước đều bị nhiễm mặn. Độ mặn nước sau xử lý tại khu vực các huyện Ba Tri dao động từ 0,1 đến 2,4‰, Bình Đại từ 0,1 đến 4,9‰, Thạnh Phú từ 0,1 đến 3,8‰, Mỏ Cày Bắc từ 0,1 đến 4,0‰, Mỏ Cày Nam từ 0,2 đến 4,0‰...

Nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời điểm xâm nhập mặn, vừa qua, một số địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đã chủ động các giải pháp cấp nước cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là khu vực dân cư sinh sống thưa thớt; hỗ trợ thiết bị trữ nước cho các hộ khó khăn; thiết lập các điểm cấp nước công cộng; khu vực có công trình cấp nước tập trung tổ chức cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng, sử dụng thiết bị RO...

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cho bảy tỉnh ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 132.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong thời gian mùa khô.

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng: “Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2023-2024, trước mắt các địa phương chủ động theo dõi diễn biến nguồn nước, xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đối với các hộ dân sinh sống phân tán cần được hỗ trợ dụng cụ trữ nước sử dụng trong thời gian bị ảnh hưởng; thiết lập các điểm cấp nước tập trung; tuyên truyền người dân trữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt trong thời gian mùa khô. Đối với các hộ dân sinh sống tập trung, gần công trình cấp nước còn dư công suất phục vụ cần mở rộng, kéo dài mạng đường ống để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Ở nơi công trình cấp nước bị xuống cấp, không khai thác đủ công suất cần thực hiện cấp nước luân phiên, bảo đảm các hộ dân đều có nước sử dụng”.

Về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp sửa chữa, nâng cấp, xây mới công trình cấp nước tập trung nông thôn cho khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng phương án cấp nguồn cho công trình cấp nước tập trung từ các hồ chứa thủy lợi; xem xét đầu tư, xây dựng các hồ trữ nước ngọt dành riêng phục vụ sinh hoạt, bảo đảm tích trữ đủ nước trong trường hợp xâm nhập mặn xảy ra theo kịch bản cực đoan nhất...