Hiện, nước tuy vẫn còn trong hệ thống thủy lợi Long Phú-Tiếp Nhựt nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa sản xuất là rất cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, do phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn sản xuất thắng lợi vụ đông xuân 2023-2024.
Tuy nhiên, do giá lúa tăng cao, một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ đông xuân muộn vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.
Ngành chức năng Sóc Trăng túc trực 24/24 giờ điều tiết hệ thống cống thủy lợi cung cấp nước ngọt và bảo đảm lưu thông. |
Vụ lúa đông xuân 2023-2024, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống 182.002ha, vượt 8,6% kế hoạch. Đến nay, đã thu hoạch gần 94.000ha, năng suất ước đạt 67,6 tạ/ha, cao hơn 3,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, sản lượng 635.291 tấn và đang tiếp tục thu hoạch.
Để ứng phó hiệu quả xâm nhập mặn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quan tâm đến nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn, nhất là nguồn nước ngọt dành cho cây ăn trái.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến hộ dân về tình hình độ mặn để người dân chủ động trữ nước dành cho sản xuất, tránh bị ảnh hưởng trên cây trồng, vật nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải trang bị hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bằng cách lập nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền nông dân sử dụng nước sinh hoạt và nước sản xuất tiết kiệm; thường xuyên đo độ mặn trên các sông, kênh, rạch để thông tin đến hộ dân về độ mặn nhằm chủ động trong sản xuất.