Sóc Trăng: Hơn 600ha lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại do hạn mặn

NDO - Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đến nay, vụ lúa đông xuân muộn có khoảng 6.000ha canh tác ngoài kế hoạch. Trong đó, đã ghi nhận gần 574ha lúa bị ảnh hưởng và 33ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tích cực hướng dẫn nông dân phòng chống hạn mặn.
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tích cực hướng dẫn nông dân phòng chống hạn mặn.

Trên địa bàn Sóc Trăng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022-2023.

Tuy nhiên, trung tuần tháng 3/2024, ngành chức năng ghi nhận các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng một tháng.

Cụ thể ranh mặn 4g/lít vào cách biển 30-45km trên địa bàn xã Đại Ngãi huyện Long Phú, và vàm Nhơn Mỹ huyện Kế Sách. Dự báo trong khoảng 30 ngày tới, ranh mặn 4g/l trên sông Hậu xâm nhập sâu khoảng: 55-60km; trên sông Mỹ Thanh xâm nhập sâu khoảng: 65-70km. Đến cuối tháng 5/2024, xâm nhập mặn mới giảm dần.

Sóc Trăng: Hơn 600ha lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại do hạn mặn ảnh 1

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên đồng ruộng để điều tiết nước ngọt

Ngành chức năng khuyến cáo các địa phương cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn, các thông tin dự báo xâm nhập mặn để có phương án chủ động trong công tác phòng chống.

Để chủ động kiểm soát với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây nắng hạn, xâm nhập mặn bất thường và phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại của công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu.

Đồng thời nâng cấp đê bao các cồn trên sông Hậu để bảo vệ sản xuất. Đầu tư khẩn cấp các cửa cống cưỡng bức đầu nguồn lấy nước vùng Long Phú - Tiếp Nhật và xây dựng mới các cống xung yếu lấy nước phục vụ sản xuất đang xuống cấp.