Tại tỉnh Trà Vinh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, độ mặn tại các điểm vùng ngọt trên địa bàn tỉnh đều tăng cao từ 2-4‰, như tại Vàm Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, độ mặn đo được 8,9‰; Vàm Hưng Mỹ, huyện Châu Thành 11,9‰; Vàm Trà Kha, huyện Trà Cú 10,7‰; Cống Ðức Mỹ, huyện Càng Long 3,7‰. Tại điểm vùng nước mặn và lợ trong tỉnh trên địa bàn các huyện, Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, độ mặn trên các nhánh sông đều tăng cao. Tỉnh yêu cầu các huyện tăng cường giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho diện tích lúa đông xuân, cây màu và vườn cây ăn trái.
Tại Tiền Giang, để chủ động phòng chống hạn mặn, tỉnh khuyến khích nông dân các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xử lý rải vụ hơn 4.750 ha vườn cây ăn trái những địa bàn khó khăn nhằm tránh thời điểm cây trồng khi mang trái lại bị ảnh hưởng hạn mặn. Ðồng thời, các địa phương khẩn trương triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là vùng chuyên canh sầu riêng vốn mẫn cảm với độ nhiễm mặn trong nước. Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cũng đưa ra nhận định, trong tháng 3/2024 xuất hiện hai đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 13/3 và từ ngày 23 đến 31/3. Tháng 4/2024 tiếp tục xuất hiện hai đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 12/4 và từ ngày 25/4 đến 1/5. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3 là khoảng 50 km ở sông Cửa Ðại với độ mặn 4‰ tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); mặn 4‰ vào sâu 62 km trên sông Cổ Chiên ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách)…
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Khoa học Thủy lợi miền nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ ngày 10-15/3/2024 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.