Các số liệu thống kê cho thấy kinh tế Anh đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2023, niềm tin của người tiêu dùng tăng và nợ công thấp hơn đáng kể so với lo ngại nhờ nguồn thu thuế cao.
Mức lương ở Anh cũng đã tăng với tốc độ nhanh kỷ lục trong ba tháng tính đến tháng 6/2023 và sự chuyển đổi công việc cao, phản ánh người lao động đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng tài chính do lạm phát cao. Mức tăng lương mạnh mẽ này đã giúp niềm tin của người tiêu dùng Anh tăng 5 điểm trong tháng 8/2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, nền kinh tế Anh đang đối mặt nhiều thách thức bởi lạm phát cao và nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn hiện hữu. Các số liệu thống kê cho thấy doanh số bán lẻ ở Anh tháng 8 giảm 1,2% so với tháng trước; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lên 4,2% trong ba tháng kể từ tháng 6/2023, mức cao nhất trong gần 2 năm. Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), đo lường hoạt động kinh tế theo thời gian thực, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Thách thức lớn nhất với kinh tế Anh vẫn là lạm phát cao. Mặc dù lạm phát đã “hạ nhiệt”, nhưng giá cả hàng hóa tại Anh vẫn tăng với tốc độ hằng năm là 6,8% trong tháng 7/2023, gấp hơn ba lần mục tiêu 2% của Anh.
Lạm phát cao đã “thổi bay” thành tích tăng lương kể trên, bởi thống kê cho thấy tổng tiền lương tăng 21% từ ba tháng đến tháng 2/2023, nhưng khi điều chỉnh theo lạm phát, con số này gần như không thay đổi. Hồi tháng 1/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ hạ mức lạm phát xuống một nửa vào cuối năm nay trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới.
Tại thời điểm đó, lạm phát giá tiêu dùng toàn phần ở mức 10,1% và hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ giảm một nửa sau khi cú sốc giá năng lượng qua đi, khiến cam kết của ông Sunak đầy khả thi. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tại nước này hiện vẫn cao, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đánh giá lại các cơ chế dự báo lạm phát.
Trong khi đó, các điều kiện bên ngoài đang bất lợi với tăng trưởng kinh tế Anh, trong bối cảnh các đầu tàu kinh tế của khu vực và thế giới như Đức, Trung Quốc vẫn đang ì ạch “ngược dốc” để thoát khỏi nguy cơ suy thoái; cuộc chiến Nga-Ukraine và những “làn gió ngược” từ lệnh trừng phạt kinh tế của các nước lớn vẫn đang tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế Anh. Ông James Smith, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là một nền kinh tế đang phải hứng chịu một cú sốc lớn về điều kiện thương mại”.
Theo ông Smith cuộc chiến Nga-Ukraine và và việc áp đặt các rào cản thương mại gia tăng với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit đã tạo ra “cú sốc” dẫn đến giá cả và tiền lương tăng nhanh và lãi suất tăng. Tất cả những điều đó đang bắt đầu tạo ra một số lực kéo đối với nền kinh tế thực của Anh.
Thomas Pugh, nhà kinh tế tại công ty tư vấn RSM UK cho biết, trên thực tế, quy mô của nền kinh tế Anh đã giảm so với trước đại dịch trong ba tháng cuối năm 2019, phần lớn đã trì trệ kể từ cuối năm 2021. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR)-cơ quan tư vấn chính sách độc lập-vừa công bố một báo cáo về triển vọng kinh tế, trong đó dự báo Anh đang đối mặt với viễn cảnh “đánh mất” tăng trưởng.
NIESR dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 và 0,3% vào năm 2024, thậm chí có khả năng tăng trưởng GDP của Anh sẽ giảm vào cuối năm 2023 và khoảng 60% nguy cơ suy thoái vào cuối năm 2024. Báo cáo của NIESR nêu rõ: “Anh đang trên đà trải qua 5 năm tăng trưởng kinh tế “bị mất” lâu nhất kể từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Báo cáo cũng vẽ ra bức tranh xám mầu với người lao động Anh trong năm tổng tuyển cử 2024 rằng sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản sẽ gia tăng, thu nhập thực tế của nhiều người tăng ít, tiết kiệm thấp hoặc không có, nợ cao hơn, cũng như chi phí nhà ở, năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Anh là nền kinh tế lớn của thế giới, GDP của Vương quốc Anh chiếm khoảng 3,3% tổng GDP toàn cầu. Bởi vậy, những thách thức và nguy cơ suy thoái kinh tế của Xứ sở sương mù như trên phản ánh khó khăn của kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Thực tế nêu trên cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần lùi xa, chống lạm phát và kích cầu tăng trưởng vẫn đang là “việc cần làm ngay” của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.