Anh tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 7/6 tới Washington trong chuyến thăm chính thức Mỹ lần đầu kể từ khi nhậm chức. Người phát ngôn Thủ tướng Anh cho biết, mục đích chuyến thăm là nâng cao mức độ hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết những thách thức kinh tế chung, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng và chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington. Ảnh: GETTY
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington. Ảnh: GETTY

Củng cố quan hệ đồng minh

Phát biểu ý kiến với báo giới trước thềm chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Anh - Mỹ, Thủ tướng Sunak nói: Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Anh. Chúng tôi là đối tác ưu tiên hàng đầu của nhau trong mọi vấn đề, từ mục tiêu giữ an toàn cho người dân đến phát triển kinh tế.

Trong chương trình làm việc hai ngày tại Mỹ, Thủ tướng Sunak hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden, gặp các nghị sĩ và lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ. Các cuộc làm việc tập trung vào chủ đề hợp tác kinh tế và hỗ trợ Ukraine. Theo thông báo của Chính phủ Anh, Thủ tướng Sunak ủng hộ việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế giữa London và Washington, trong bối cảnh thị trường và nguồn cung toàn cầu đối mặt với nhiều nguy cơ.

Người phát ngôn Thủ tướng Anh nói: Dựa trên những cam kết gần đây giữa hai nước, hai nhà lãnh đạo sẽ xem xét một loạt vấn đề toàn cầu, trong đó có sự ủng hộ kiên định của Anh và Mỹ đối với Ukraine, phối hợp hai nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết khủng hoảng khí hậu. Hai bên cũng thảo luận về nỗ lực nhằm tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế, trong bối cảnh hai nước cùng đối mặt thách thức chung về kinh tế và an ninh quốc gia.

Cuộc hội đàm tại Nhà trắng hôm nay (8/6) không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Sunak và Tổng thống Biden. Trước đó, hồi tháng 3/2023 hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở San Diego (Mỹ) và cùng Thủ tướng Australia công bố hiệp ước ba bên về sản xuất tàu ngầm trong khuôn khổ AUKUS. Hai bên tiếp tục gặp nhau tại Belfast (Ireland) vào tháng 4 khi cùng tham dự kỷ niệm 25 năm ký kết thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột trên đảo Ireland cùng tham dự Hội nghị cấp cao G7 tại Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5 vừa qua.

Tăng cường đối tác thương mại

Đàm phán về thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Anh và Mỹ không nằm trong chương trình nghị sự lần này, song mở rộng hợp tác kinh tế hai nước vẫn là một mục tiêu chính trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Sunak. Chính phủ Anh cho biết, việc Thủ tướng Sunak gặp và phát biểu trước đông đảo giám đốc điều hành các công ty Mỹ thể hiện quyết tâm của London tăng cường quan hệ kinh tế hai nước.

Trước khi lên đường tới Washington, Thủ tướng Sunak cũng đã công bố khoản đầu tư tích lũy của Mỹ vào Anh trị giá hơn 14 tỷ bảng Anh (17 tỷ USD). Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh liên minh quân sự Mỹ - Anh là trung tâm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo nhà lãnh đạo Anh, bằng cách kết hợp các nguồn lực kinh tế rộng lớn và chuyên môn, hai nước sẽ phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và bảo đảm an toàn lâu dài cho người dân.

Mỹ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, chiếm tới 16,6% tổng giá trị thương mại của Anh. Sau khi rời Liên hiệp châu Âu (EU), Anh từng kỳ vọng đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, coi đó là lợi ích lớn nhất thời hậu Brexit. Song, đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của Nhà trắng kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền.

Triển vọng về thỏa thuận thương mại với Mỹ mờ mịt, song Anh vẫn nỗ lực giải quyết các vấn đề cụ thể giữa hai nước và đang tìm kiếm các mối quan hệ đối tác thương mại chặt chẽ với từng tiểu bang của Mỹ. Chính phủ Anh không tìm mọi cách đạt được một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ, mà tập trung vào các thỏa thuận có mục tiêu.

Người phát ngôn Thủ tướng Anh nói: Hiện tại chúng tôi không tìm cách theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Thực tế, kim ngạch thương mại hai nước có giá trị 279 tỷ bảng và vẫn đạt được khi không có thỏa thuận thương mại tự do.