Kinh tế Anh nỗ lực vượt khó

Bộ trưởng Tài chính Anh R.Xu-nác mới đây nhận định, nền kinh tế Anh đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch Covid-19. Giới chức "xứ sở sương mù" đang tích cực triển khai các biện pháp để giải quyết bài toán khó, vừa kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, vừa vực dậy nền kinh tế đang chật vật trong cơn khủng hoảng nặng nề.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô ở Anh. Ảnh Roi-tơ
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô ở Anh. Ảnh Roi-tơ

Trong bài phát biểu ý kiến về ngân sách hằng năm trước các nghị sĩ Quốc hội Anh, Bộ trưởng Tài chính nước này R.Xu-nác dự báo, đến giữa năm 2022, nền kinh tế của quốc đảo sương mù sẽ phục hồi như thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, nhờ vào việc nhanh chóng triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 tại nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Anh vẫn cần phải thúc đẩy các biện pháp để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, trong đó ưu tiên hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Một số biện pháp mà Chính phủ Anh tập trung triển khai thời gian tới bao gồm gia hạn kế hoạch giải cứu việc làm, hỗ trợ lao động tự do, tăng các khoản trợ cấp, giảm thuế cho lĩnh vực du lịch, nhà hàng…

Bức tranh kinh tế tổng thể của Anh trong một năm qua bị bao phủ bởi gam màu tối. Truyền thông Anh cho biết, nợ công của nước này trong tài khóa 2020 - 2021 là 17% GDP, mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Trước tình hình này, Bộ Tài chính Anh quyết định tăng thuế doanh nghiệp từ 19% lên 25% vào năm 2023. Theo Bộ trưởng Tài chính R.Xu-nác, kể cả khi đã tăng thuế, Anh vẫn là quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp trong Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Cùng với đó, Chính phủ Anh cũng công bố một loạt cảng tự do mới nhằm tạo động lực thu hút đầu tư và khuyến khích đổi mới. Các cảng tự do này là những trung tâm kinh doanh mang lại lợi ích về thuế và hải quan cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 trong năm qua đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế nước Anh. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, kinh tế Anh đã trải qua một năm suy giảm mạnh nhất trong hơn 300 năm qua, với GDP giảm 9,9% trong năm 2020. Thất nghiệp cũng là bài toán khó đối với quốc đảo này. Tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong quý IV-2020 tăng lên mức 5,1% do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa phòng dịch. Bộ trưởng Tài chính R.Xu-nác khẳng định, nhà chức trách sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, trong đó có việc tăng các gói hỗ trợ thu nhập, nhất là cho nhóm lao động mất việc làm do dịch bệnh và các hộ kinh doanh gia đình.

Trước vòng xoáy của đại dịch, giới chức Anh tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực ứng phó mang tính tổng thể, vừa theo đuổi tiến trình triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sớm nhất có thể và giúp người dân sớm quay về nhịp sống bình thường, vừa tìm biện pháp vực dậy nền kinh tế. Chương trình tiêm chủng toàn quốc đã được nước Anh triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Từ giữa tháng 1-2021, quốc đảo này mở bảy trung tâm tiêm chủng quy mô lớn để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, với kế hoạch đến giữa tháng 2-2021, tất cả những người trong nhóm dễ bị tổn thương đều được tiêm chủng. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn cũng đề ra kế hoạch gồm bốn bước để nới lỏng dần các biện pháp phòng dịch, với hy vọng đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường vào cuối tháng 6 tới.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) A.Han-đên bày tỏ tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế và đưa ra đánh giá lạc quan rằng, nền kinh tế Anh giống như một "chiếc lò xo cuộn", sẵn sàng giải phóng năng lượng bị dồn nén một khi niềm tin được khôi phục. Ông A.Han-đên nhấn mạnh, với việc 13 triệu người dân dễ bị tổn thương nhất bởi dịch Covid-19 tại Anh đã được tiêm phòng, nguy cơ về những trường hợp chết hoặc nhập viện do Covid-19 có thể giảm một nửa. Ðiều này sẽ đem đến hy vọng cho giới đầu tư và các doanh nghiệp của "xứ sở sương mù", tạo động lực khôi phục nền kinh tế.