Tháo gỡ rào cản cho mạng lưới đường sắt đô thị

Quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị thí điểm tuyến số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội trong những năm qua cho thấy còn rất nhiều bất cập liên quan các lĩnh vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu điện chạy thử trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)
Tàu điện chạy thử trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. (Ảnh DUY LINH)

Để triển khai thuận lợi các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo, ngoài việc rà soát, thay đổi các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, thì cần thiết phải có cách làm mới về công tác giải phóng mặt bằng, huy động vốn và đào tạo nhân lực chuyên môn sâu cho lĩnh vực đặc thù này.

Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519) nêu rõ, Hà Nội sẽ xây dựng chín tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và mạng lưới các tuyến kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy hoạch này cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (khung chính sách, tiêu chuẩn, đền bù giải phóng mặt bằng...) của thành phố chưa đi kịp với thực tiễn. Thành phố chưa chuẩn bị quỹ đất để bảo đảm việc xây dựng các tuyến đạt hiệu quả nhất.

Các tuyến ĐSĐT được vạch ra đều cố gắng len lỏi qua các khu dân cư, chạy dọc theo những khoảng trống còn lại trong đô thị (lòng đường, vỉa hè, đất cơ quan, công cộng...). Việc kiểm soát sự kết nối giữa các phương thức vận tải gần như là con số không. Việc tạo một hành lang cho người đi bộ tiếp cận ga ĐSĐT hay kết nối cơ hữu giữa các tuyến ĐSĐT để hình thành mạng lưới gần như chỉ có tính lý thuyết trên hồ sơ dự án.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có liệt kê một loạt yêu cầu chung cho công tác xây dựng phát triển ĐSĐT, nhưng chưa đề ra các biện pháp để bảo đảm tính khả thi. Để phát huy hiệu quả hệ thống ĐSĐT, cần kết hợp quy hoạch hệ thống nhà ga với cải tạo và quy hoạch đô thị, trong đó bao gồm chuẩn bị quỹ đất, quy hoạch phát triển hệ thống không gian công cộng và tuyến đi bộ, các khu vực tập trung đông người.

Làm như vậy sẽ giúp nâng cao tính hấp dẫn, tiện nghi và hợp lý của các không gian đi bộ, khiến Hà Nội thật sự trở thành nơi thích hợp với lối sống đi bộ và sử dụng giao thông công cộng, phù hợp xu hướng phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng hiện nay của thế giới.

Qua thực tiễn khi triển khai dự án ĐSĐT thí điểm tuyến số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội, để các tuyến đường ĐSĐT triển khai sau được thuận lợi, ngoài việc rà soát, thay đổi các cơ chế chính sách không còn phù hợp, thì cần thực hiện ba việc sau.

Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước. Việc giải phóng mặt bằng phải được chuẩn bị rất sớm, kỹ lưỡng và cần phải có sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị. Phải chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, việc quản lý trật tự đô thị phải được làm rất chặt chẽ từ chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các chính sách giải phóng mặt bằng theo hướng quan tâm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất.

Phải làm sao để chỗ ở mới tốt hơn hoặc tối thiểu phải bằng chỗ ở cũ. Có như vậy, người dân mới ủng hộ, yên tâm nhường mặt bằng nơi họ đã sinh sống ổn định lâu dài cho dự án, cho những mục đích cao cả hơn. Chính vì vậy, cần tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và triển khai ngay khi chủ trương đầu tư dự án chính được phê duyệt.

Thứ hai, về vấn đề vốn. Hiện nay, vốn thực hiện các dự án ĐSĐT chủ yếu là từ nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên khi đi vay thì chủ nợ hoàn toàn có thể áp đặt các điều khoản để cho vay: như nguồn gốc xuất xứ của nhà thầu, của thiết bị, một số điều khoản hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu... trong khi có một số hàng hóa hoàn toàn có thể khai thác hay chủ động sản xuất trong nước với giá thành rẻ hơn nhiều.

Việc chủ động nguồn vốn sẽ khắc phục được bất cập nêu trên. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch ĐSĐT và quy hoạch chi tiết khu vực TOD (lấy ĐSĐT làm hạt nhân trung tâm, xem đây là một giải pháp trọng tâm, ưu tiên để phát triển đô thị bền vững), thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao trong khu vực TOD.

Thành phố được giữ lại toàn bộ giá trị thu được từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, tiền sử dụng đất xây dựng công trình trên cao tại khu vực TOD để đầu tư xây dựng ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống ĐSĐT, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Thứ ba, về nguồn nhân lực, các năm trước đây, hoàn toàn không có bất cứ trường đại học nào trong nước đào tạo chuyên ngành ĐSĐT. Trong 5 năm trở lại đây, các trường đại học có uy tín trong nước đã mở các ngành nghề đào tạo liên quan đến ĐSĐT. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho các dự án ĐSĐT, cũng như việc kinh doanh vận hành khai thác khi các tuyến ĐSĐT đưa vào vận hành khai thác.

Nhưng trường lớp chỉ là nơi cung cấp kiến thức nền tảng, việc đào tạo, đào tạo lại tại chính các cơ quan được giao làm chủ đầu tư, là các nhà thầu thi công cũng đặc biệt quan trọng. Vì vậy, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần có một cơ chế đãi ngộ, thu hút đặc biệt... Thành phố nên coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói cung, nhân lực ngành ĐSĐT là nhiệm vụ quan trọng. Ngân sách của thành phố nên dành một tỷ lệ nhất định để tăng chi cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đầu tư cho hệ thống giáo dục-đào tạo và dạy nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ■