Chỉ rộng 500 ha, diện tích tương đương một xã ở ngoại thành, nhưng thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm năm 2014 đạt gần 3.700 tỷ đồng. "Con gà đẻ trứng vàng" của quận Hoàn Kiếm chính là du lịch - dịch vụ tại Khu Phố cổ. Phố cổ trải qua nhiều biến động của lịch sử, gồm nhiều loại hình kiến trúc qua các thời kỳ như: Kiến trúc Việt Nam truyền thống; kiến trúc thể hiện sự giao lưu Việt - Hoa, Việt - Pháp... trước năm 1945; kiến trúc thời kỳ bao cấp; thời kỳ đổi mới và cả những công trình được cơi nới tạm bợ gây mất mỹ quan đô thị. Để phục vụ tốt cho hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng sống của người dân, trên địa bàn Khu Phố cổ đã có nhiều dự án cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, 77 tuyến phố được cải tạo vỉa hè, hạ chìm cống nổi và lát đá tự nhiên; cải tạo hệ thống chiếu sáng; quy hoạch lại chợ, giải tỏa chợ Gia Ngư, Hàng Bè... Hai tuyến phố gồm Tạ Hiện, Lãn Ông đã được cải tạo kiến trúc mặt đứng, trả lại những nét đẹp kiến trúc truyền thống, qua đó, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch. Hiện nay, 11 phố tại Khu Phố cổ đã trở thành những tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Khu Phố cổ là một thực thể sống, nơi cuộc sống của hàng chục nghìn dân đang ngày đêm diễn ra. Ứng xử với Khu Phố cổ không thể máy móc, cải tạo, chỉnh trang để phố cổ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vừa bảo đảm công tác bảo tồn và hấp dẫn du lịch là cần thiết. Theo Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long, Phó Ban Quản lý Khu Phố cổ Hà Nội, năm 2010, quận Hoàn Kiếm tiến hành cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện. Khi dự án sắp hoàn thành, các kiến trúc sư người Pháp đến từ thành phố Tulu (thành phố hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo Khu Phố cổ) đã đề xuất nên lát đá đoạn phố này, chỉnh trang mặt đứng kết hợp với cải tạo mặt đường tạo nên một tổng thể không gian hoàn chỉnh. Từ đề xuất này, việc cải tạo mặt đường đã được bổ sung vào dự án. Sau khi khánh thành, phố Tạ Hiện nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn nhất tại Khu Phố cổ. Phố Tạ Hiện được mệnh danh là "ngã tư quốc tế" vì tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài. Thậm chí, nhiều người nước ngoài còn đến đây mở hiệu kinh doanh. Đây là một trong những lý do khiến UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất lát đá 11 tuyến phố, gồm trục đường từ Hàng Đào đến Hàng Giấy và sáu tuyến phố đi bộ: Tạ Hiện, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, nhằm cải tạo hạ tầng và tăng sức hấp dẫn khách du lịch. Tổng chiều dài của 11 tuyến phố này khoảng 2,2 km.
Sau khi có thông tin UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất lát đá 11 tuyến phố, dư luận đã có những ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, Giáo sư Hoàng Đạo Kính khẳng định, việc cải tạo Khu Phố cổ có thể tiến hành, nếu nó bảo đảm các yếu tố: Ăn nhập với không gian của phố cổ và không tạo nên sự tương phản. Tuy nhiên, Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, nên chọn thời điểm lát đá cho phù hợp. Thời gian vừa qua, các dự án cải tạo, chỉnh trang phố Tạ Hiện, Lãn Ông đã được thực hiện rất tốt. Không chỉ cải tạo mặt đứng các ngôi nhà, mà hệ thống biển quảng cáo cũng được quy định kích thước, mầu sắc phù hợp không gian. Tuy nhiên nhìn chung, nhiều tuyến phố hiện nay biển quảng cáo, áp-phích rất lộn xộn. Có những tấm biển quảng cáo che hết cả ngôi nhà. Giáo sư Hoàng Đạo Kính gợi ý, trong giai đoạn hiện nay, quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý Khu Phố cổ nên chọn thứ tự ưu tiên trong cải tạo, chỉnh trang. Chẳng hạn như trong giai đoạn hiện nay nên tập trung xây dựng văn hóa biển hiệu quảng cáo, quản lý tốt các mái che, mái vẩy. Một số chuyên gia khác cũng đề xuất nên tính toán kỹ lưỡng, vì chỉ đoạn phố Tạ Hiện (lòng đường khá hẹp) đã tốn 1,5 tỷ đồng. Nếu lát 2,2 km của 11 tuyến phố, kinh phí là khá lớn. Kinh phí này nên được sử dụng cho những vấn đề cấp thiết hơn, như bảo tồn nhà cổ, giải quyết các vấn đề về vệ sinh, môi trường vẫn đang tồn tại.
Trước những vấn đề đặt ra kể trên, Quận ủy Hoàn Kiếm vừa có kết luận về việc sắp xếp lại địa điểm kinh doanh khu vực mặt tiền chợ Đồng Xuân và tuyến phố đi bộ Đồng Xuân - Hàng Khoai và dự án cải tạo mặt đường các tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ. Quận Hoàn Kiếm tạm dừng đề xuất lát đá mặt đường 11 tuyến phố đi bộ trong Khu Phố cổ. Quận đề xuất UBND thành phố phân cấp cho quận quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư đồng bộ khu vực phố cổ hiện nay. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, nhà khoa học xây dựng phương án cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị tại phố cổ Hà Nội. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Cải tạo chỉnh trang phố cổ là cần thiết, nhưng cần thận trọng và tiến hành các bước sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.