Thách thức nào đang đợi các doanh nghiệp dệt may?

NDO - Yêu cầu của thị trường nước sở tại về sản xuất xanh, thân thiện với môi trường… ngày càng cao. Trong khi các chi phí về logistics, vận chuyển không ngừng tăng, tác động mạnh vào chi phí sản xuất… đang là những thách thức lớn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phải đối diện.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp dệt may đối diện với chi phí gia tăng.
Doanh nghiệp dệt may đối diện với chi phí gia tăng.

Chi phí không ngừng gia tăng

Thị trường tương đối khả quan, đơn hàng nhiều, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty May 10 tương đối khả quan trong quý đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu quý I/2024 của May 10 đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 36 tỷ đồng, tăng 29% so với quý 1/2023.

Tuy nhiên, hiện nay, áp lực về chi phí vận chuyển càng lớn hơn do căng thẳng ở biển Đỏ. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 lo ngại, tình hình tại biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển tăng, làm lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu dệt may đã đạt 13,18 tỷ USD, tăng 3,8%, tương ứng tăng 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dệt may cũng là 1 trong 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Thông tin từ các doanh nghiệp, thời điểm hiện tại, về cơ bản đơn hàng xuất khẩu dệt may đã có đủ tới hết quý III/2024, nhưng đơn hàng quý IV/2024 vẫn chưa chắc chắn, vì các khách hàng còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường. Tình hình chung hiện nay tại các doanh nghiệp dệt may là đơn giá chưa được cải thiện nhiều, nhất là với các đơn hàng gia công.

Theo các chuyên gia, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may gia tăng có lý do là thị trường đang dần ấm trở lại sau quá trình cắt giảm hàng tồn kho tại các thương hiệu thời trang Mỹ đã diễn ra xuyên suốt năm 2023 và tạo đáy kể từ quý IV/2023. Chu kỳ bổ sung hàng tồn kho đang trở lại là động lực chính giúp gia tăng đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm 2024. Dự báo tín hiệu phục hồi sẽ rõ ràng hơn từ quý II/2024 và ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ từ quý III/2024.

Tuy vậy, đơn giá vẫn là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam khi chi phí lao động cao hơn so với các nước đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ cùng với áp lực tỷ giá VND/USD tăng liên tục thời gian qua.

Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển sang Mỹ và EU tăng, là rủi ro cho các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và EU cao. Bởi dù hầu hết các doanh nghiệp dệt may đang xuất khẩu theo điều kiện FOB (người mua hàng chịu chi phí vận chuyển), nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ sẽ tác động lên thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Đơn hàng dự kiến gia tăng, nhưng vẫn sẽ có rủi ro diễn ra cuộc chiến giá cả của các nhà cung cấp trong ngành khiến biên lợi nhuận năm 2024 chưa thể cải thiện nhiều.

Chưa kể, các thị trường đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn về sản phẩm dệt may nhập khẩu. Theo thông tin từ Bộ Công thương, chất thải dệt may của EU ngày càng nhiều. Hằng năm, người dân EU thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may, trung bình khoảng 11,3kg/người. Số lượng hàng dệt may này phần lớn sẽ được đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ. Vì vậy, EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc: Nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu.

Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu. Đây là lý do các doanh nghiệp đòi hỏi các sản phẩm dệt may phải được sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, có thể tuần hoàn…

Doanh nghiệp dệt may đối phó với thách thức

Những thách thức từ thị trường là điều không thể tránh khỏi, do đó các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách khắc phục. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận, để vượt qua các khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hàng hoá. Bởi khi sản xuất thay đổi, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, dệt may vẫn là nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Thách thức nào đang đợi các doanh nghiệp dệt may? ảnh 1

Thị trường trong nước là mảng thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp dệt may.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, tín hiệu của thị trường là hàng Việt Nam đang đạt chất lượng tốt, được khách hàng đánh giá cao. Doanh nghiệp đang nỗ lực nắm bắt cơ hội, tranh thủ đơn hàng bằng cách thích ứng về sản xuất nhỏ và sản xuất nhanh. Ví dụ trước đây, doanh nghiệp sản xuất giao hàng từ 70-90 ngày nhưng giờ xuống còn 45, 30 ngày.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt cho biết, năm 2024, doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý chất lượng, tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, đầu tư chiều sâu để đáp ứng tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra. Đồng thời, mở rộng thị phần về thị trường trong nước để đa dạng hoá, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, chiến lược đã đề ra định hướng chung thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may, Da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành... Điều này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguyên phụ liệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.