Mặc dù đơn hàng những tháng đầu năm ngành dệt may đã được cải thiện nhưng xu hướng tăng không bền vững, đơn hàng nhỏ, giá thấp, chi phí tăng cao,... khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động.
Đối diện nhiều rủi ro
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, lượng đơn hàng những tháng đầu năm tương đối nhiều nhưng giá thấp, khiến doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Cùng với đó, chi phí tiền lương, giá nguyên phụ liệu, cước vận tải,... tăng cao cũng gây áp lực đối với doanh nghiệp. "Nỗ lực triển khai các giải pháp linh hoạt, chủ động đã giúp doanh thu của đơn vị trong ba tháng đạt hơn 740 tỷ đồng, duy trì tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm 2023. Để thúc đẩy sản xuất, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao quản trị, tay nghề người lao động,... nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường", ông Dương cho biết.
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Văn Hải chia sẻ, không chỉ phải đối diện với các khó khăn về căng thẳng địa chính trị diễn biến phức tạp, ngành dệt may còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xanh hóa, bền vững của khách hàng ngày càng khắt khe hơn. Vì thế, mặc dù đơn hàng ngành may những tháng đầu năm đã có cải thiện, nhưng xu hướng tăng không bền vững, đơn hàng nhỏ, giá thấp; còn ngành sợi chưa có xu hướng phục hồi. Trên cơ sở đó, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 4.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 247 triệu USD; lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động tăng 6-10% so với năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu, đơn vị sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về thị trường, đầu tư, quản trị nguồn nhân lực, quản lý tài chính, quản trị rủi ro, đẩy mạnh chuyển đổi số,... qua đó nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm dệt may, ổn định và giữ vững lực lượng lao động.
Năm 2024, ngành dệt may còn chịu tác động từ sức mua của các thị trường lớn chưa phục hồi hoàn toàn, áp lực cạnh tranh, thu hút lao động do xu hướng đi làm việc tại nước ngoài và nhu cầu của các doanh nghiệp FDI,...
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, thời gian tới Tổng công ty sẽ tập trung triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về thị trường, khai thác khách hàng, tập trung sản xuất nhanh đáp ứng yêu cầu đơn hàng, cải thiện liên tục chất lượng sản phẩm, tiết kiệm toàn diện trong mọi hoạt động, kiểm soát chi phí và rủi ro, tăng cường chuyển đổi số, đầu tư các dự án trọng điểm theo kế hoạch, bổ sung nhân sự có chuyên môn cao chuyên trách từng lĩnh vực. Đơn vị đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 115 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Trước bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định, các doanh nghiệp dệt may xác định cần triển khai triệt để các giải pháp nhằm xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế (Huegatex) Nguyễn Văn Phong cho biết, tổng cầu dệt may phục hồi chậm; ngành sợi đơn hàng khó khăn, thường xuyên bán dưới giá thành; ngành dệt nhuộm-may đơn hàng nhỏ, lẻ, giao hàng nhanh, yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và tính tuân thủ, đồng thời đơn giá giảm sâu, nhiều đơn hàng giá giảm đến 40%. Trước bối cảnh đó, Huegatex xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, khách hàng; phát huy và tận dụng lợi thế cạnh tranh từ chuỗi cung ứng sợi-dệt nhuộm-may; quản trị chặt chẽ dòng tiền, duy trì ổn định mọi nguồn lực, giảm tổn thất ở mức thấp nhất; cải thiện mô hình tổ chức, đào tạo nhân lực, hoàn thiện công tác chuyển đổi số, đầu tư chiều sâu để đón đầu cơ hội.
Trong đó, ngành sợi cần linh hoạt lựa chọn khách hàng và thị trường thông qua việc tìm kiếm thêm khách hàng mới ở thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc; tăng tỷ trọng xuất khẩu tại chỗ, khai thác thêm các mặt hàng mới để chuyển sợi sang ngành dệt nhuộm và làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), tạo lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Ngành dệt nhuộm-may tiếp tục mở rộng, phát triển thêm khách hàng mới, tăng quy mô, số lượng khách hàng trung thành thông qua việc mở rộng thị trường, giảm rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cũng như phát huy chuỗi cung ứng nội tại, tăng tỷ lệ đơn hàng FOB trong cơ cấu đơn hàng và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm,...
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, mặc dù những khó khăn, thách thức vẫn đang tiếp diễn trong năm 2024, tuy nhiên thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường dệt may vẫn có dư địa phát triển đối với các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, năng suất, chất lượng vượt trội; liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu mới của kinh tế số, kinh tế xanh với bước đi phù hợp,...
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang đưa ra cảnh báo: Kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như bảo đảm sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các yếu tố phát triển xanh.
Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp cần tập trung vào những vấn đề lớn như: Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng; có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số,... Bên cạnh đó, tập trung đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao. Đáng lưu ý, doanh nghiệp dệt may cần tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, trong đó quan tâm định hình đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.