Sản xuất xanh để phát triển bền vững

Từng được xem là cây xóa nghèo của tỉnh Bình Phước, đến nay cây điều và ngành chế biến hạt điều góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động, đóng góp một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Để nâng cao giá trị hạt điều, ngoài việc đẩy mạnh chế biến chuyên sâu, các doanh nghiệp chế biến hạt điều đang hướng đến sản xuất, chế biến xanh 100%.
0:00 / 0:00
0:00
Khởi công dự án chế biến hạt điều “xanh” tại Bình Phước với công suất số một Việt Nam.
Khởi công dự án chế biến hạt điều “xanh” tại Bình Phước với công suất số một Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, ngành điều Bình Phước luôn duy trì kim ngạch xuất khẩu hạt điều từ 1-1,2 tỷ USD/năm, đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tạo vùng nguyên liệu “sạch”

Với diện tích khoảng 152.000 ha điều, sản lượng hơn 199.000 tấn/năm, Bình Phước được coi là trung tâm điều của Việt Nam. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, Bình Phước còn là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với 2.793 cơ sở chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động.

Bình Phước còn được xem là trung tâm chế biến điều số một của thế giới, với công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước là địa phương đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều vào tháng 3/2018.

Đây là một trong những cơ sở để doanh nghiệp và nhà nông liên kết phát huy giá trị của hạt điều Bình Phước; đồng thời, chống gian lận thương mại. Tuy nhiên, ít năm trở lại đây, người trồng điều cũng không mặn mà với loại cây trồng đã gắn bó nhiều năm.

Một phần do tác động của thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến năng suất, phần thì giá không được ổn định khiến thu nhập từ cây điều không bằng một số loại cây trồng khác.

Từ thực tế đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành nông nghiệp Bình Phước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất cây trồng và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến chuyên sâu. Cùng với các chính sách của tỉnh, các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã liên kết với nông dân trồng, chăm sóc và thu mua hạt điều; qua đó, cùng chung sức giữ vững danh hiệu “Thủ phủ điều Bình Phước”.

Đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn Hạt Điều Vàng tại xã Bù Nho, huyện Phú Riềng đã liên kết với nông dân trồng điều xây dựng vùng nguyên liệu sạch, để làm ra những sản phẩm từ hạt điều sạch.

Anh Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hạt Điều Vàng, vừa là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú (xã Bù Nho) cho biết: Việc liên kết sản xuất với nông dân đã tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và đạt chất lượng cho công ty; đồng thời, đem lại thu nhập ổn định cho các xã viên.

Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn công ty đã có vùng nguyên liệu hạt điều với diện tích hơn 300 ha. Đây là một trong những hoạt động góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

Sản xuất xanh

Hạt điều Bà Tư là một trong những thương hiệu tiêu biểu của tỉnh Bình Phước do Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài) xây dựng.

Ngoài việc liên kết với nông dân trồng điều xây dựng vùng nguyên liệu sạch và bền vững, đơn vị còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong chế biến nhằm nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước.

Không dừng lại ở đó, vừa qua Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo đã khởi công xây dựng dự án nhà máy chế biến nông sản và thực phẩm Bà Tư Bình Phước với quy mô đầu tư 6,5 triệu USD, trên diện tích 20.000 m2 với công suất 4.000 tấn/năm.

Nhà máy là một trung tâm chế biến nông nghiệp xanh nhằm tạo cơ hội phát triển giá trị nông sản nói chung và các sản phẩm hạt điều đặc sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh, thành phố lân cận.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy với quy mô lớn là tiền đề để doanh nghiệp đồng hành với nông dân trồng điều tại Bình Phước và nông dân trồng điều trên cả nước, góp phần xây dựng, giữ vững vị thế thương hiệu hạt điều quốc gia trên thị trường quốc tế.

Dự án không chỉ tập trung vào cây điều mà còn hướng đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sinh kế dưới tán điều cho cộng đồng, nhất là bà con dân tộc thiểu số từ lâu đã gắn bó với cây điều.

Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gia Bảo cho biết: Triển khai được dự án này, chúng tôi phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài, từ chuẩn bị nguồn kinh phí đến vùng nguyên liệu và nhất là xây dựng dự án chế biến hoàn toàn xanh.

Ngoài vùng nguyên liệu được xây dựng hàng chục năm trên đất Bình Phước, hiện nay công ty đang phát triển vùng nguyên liệu trên vùng “đất khó” tại huyện Bắc Ái của tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi sẽ hoạt động tối đa bằng nguồn năng lượng sạch, từ sản xuất đến điện chiếu sáng đều dùng điện năng lượng mặt trời.

Sản xuất xanh chắc chắn giá thành sản phẩm cao hơn, do đó, chúng tôi cũng đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm để có sự khác biệt, từ đó xây dựng cho mình một chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đặc biệt, sản xuất xanh sẽ giảm phát thải, đây là một lợi thế cạnh tranh, khi các nước phát triển đang ưu tiên cho các mặt hàng này.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết mục tiêu NetZero vào năm 2050. Việc phát triển bền vững kinh tế gắn liền với môi trường và xã hội cần thực hiện các chiến lược giảm phát thải một cách triệt để; đồng thời, tăng cường lưu trữ các-bon thông qua trồng rừng và sản xuất nông nghiệp xanh.

Theo thống kê, diện tích trồng điều khai thác ở Việt Nam vào khoảng 320 nghìn héc-ta, với tiềm năng khổng lồ từ tín chỉ các-bon này sẽ giúp nông dân trồng điều có thêm nguồn lợi lớn.

Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền, bổ sung kiến thức, hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh gắn liền với giảm phát thải các-bon. Các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tiến hành đánh giá, đo lường tín chỉ các-bon từ cây điều.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung, chuyên gia lĩnh vực giảm phát thải các-bon, Giám đốc phát triển Dự án Giảm phát thải trong nông nghiệp cho biết: Nhà máy chế biến hạt điều xanh tại Bình Phước không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn mở ra cơ hội áp dụng các giải pháp bền vững trong ngành nông nghiệp, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải các-bon toàn cầu.

Việc tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chế biến xanh sẽ tạo ra sản phẩm hạt điều chất lượng mang thương hiệu Bình Phước; đồng thời, giúp ngành điều nâng cao uy tín trên thị trường thế giới trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Đặc biệt, hệ thống nhà máy hạt điều xanh được xây dựng tại Bình Phước còn là nơi thu hút nguồn lao động tại địa phương, tạo sinh kế cho người dân, nhất là tạo môi trường làm việc cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã gắn bó với cây điều từ hàng chục năm qua.