Tăng mạnh đơn hàng dệt may xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, nhất là trong quý II năm nay, tình hình đơn hàng tại các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, có doanh nghiệp tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm đáp ứng lượng hàng xuất khẩu đến thị trường các nước như Mỹ, Nhật Bản và Trung Đông, một số doanh nghiệp đã tăng ca, đồng thời tuyển dụng thêm lao động và “chốt” nhiều đơn hàng may mặc với số lượng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm tăng ca để kịp đơn hàng xuất khẩu tại Công ty sản xuất May mặc Dony.
Công nhân làm tăng ca để kịp đơn hàng xuất khẩu tại Công ty sản xuất May mặc Dony.

Vừa kiểm tra chất lượng sản phẩm đến thị trường Trung Đông, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty sản xuất May mặc Dony (Quận 8) phấn khởi cho biết: “Trong khi những tháng đầu năm đơn hàng về đều đều thì tháng 4, tháng 5 đơn hàng tăng “nóng”, nhất là thị trường các nước Trung Đông. Công ty cũng vừa nhận thanh toán từ một đối tác bên Trung Đông với số lượng vài nghìn sản phẩm nên anh em công nhân bận rộn sản xuất ngày, đêm”.

Theo ông Anh, từ sau dịch Covid-19, có thể đây là thời điểm đơn hàng dồi dào nhất, sản lượng tính đến tháng 5/2024 của công ty tăng 50% (200.000 sản phẩm) so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi cả năm 2023 tình hình ngành dệt may gần như “tê liệt”. Do đó, đây là thời cơ để công ty bù đắp những thời điểm không có đơn hàng, cùng với đó Công ty Dony đã tuyển dụng thêm 20% lao động và cũng tăng ca để kịp hoàn tất sản phẩm xuất khẩu.

Chị Lê Thị Mỹ Trang, công nhân khâu hoàn tất đơn hàng, Công ty Dony cho hay: Gần như hai tháng qua chị đều tăng ca vì đơn hàng về liên tục. Có việc làm nên thu nhập của công nhân tăng bình quân hai đến ba triệu đồng/tháng. Có đơn hàng, tăng ca và có thêm thu nhập nên đời sống công nhân ổn định hơn, thu hút người lao động làm việc.

Tương tự, đơn hàng cũng “dội” về Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân), nhất là trong hai tháng gần đây, với số lượng tăng bình quân 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, bộ phận nhân sự của công ty đang rao tuyển gần 100 lao động để đáp ứng kế hoạch mở thêm một chuyền sản xuất trong tháng 6 này.

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Song Ngọc cho biết: Cuối năm 2023, công ty có gần 350 công nhân với sáu chuyền may và từ đầu năm 2024 công ty mở rộng thêm ba chuyền nữa, tăng lên 470 công nhân. Việc mở rộng chuyền sản xuất vừa nằm trong kế hoạch phát triển thị trường của công ty, vừa đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao từ thị trường Mỹ.

Ông Sơn chia sẻ thêm: “Hiện công ty muốn đầu tư thêm một chuyền sản xuất nữa nhưng tìm công nhân không có. Nguyên nhân là do công nhân có tay nghề đã về quê sau đợt dịch Covid-19, số còn lại cũng chuyển qua làm công việc khác, vì có thời kỳ các doanh nghiệp may mặc thiếu hụt đơn hàng kéo dài...”.

Cùng với sự gia tăng đơn hàng may mặc giúp các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ phát triển thị trường là nỗi lo thiếu hụt lớn lao động ngành may, nhất là công nhân có thâm niên và tay nghề. Đồng thời, phương án tăng ca để tăng sản lượng theo nhiều doanh nghiệp là cần tính đến thời gian nghỉ ngơi của người lao động phải đúng quy định của luật; do đó, việc tuyển thêm lao động để bổ sung cho sản xuất đang là nhu cầu cấp bách. Ghi nhận đơn hàng may mặc cũng dồi dào và tăng cao tại Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (Tập đoàn PPJ).

Bộ phận nhân sự của Tập đoàn PPJ cho hay: Hiện các nhà máy của tập đoàn có hơn 17.000 công nhân, do đơn hàng “bùng nổ” nên đang tuyển thêm gần 2.000 công nhân vào làm ở các nhà máy thuộc khu vực miền bắc, miền trung và miền nam. Trong đó, riêng nhà máy đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn tuyển khoảng 400 công nhân cùng với 3.500 công nhân lao động hiện có tại đây, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh đặt ra. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho biết: Do đơn hàng dồi dào nên hiện thu nhập của công nhân từ 11 đến 13 triệu đồng/tháng, thu hút công nhân làm việc và không còn ý định “rút” về quê như thời điểm trước.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ phân tích: Nguyên nhân khiến đơn hàng từ đối tác Mỹ, Nhật Bản tăng chính là thị trường các nước này đang hồi phục kinh tế, sức mua và nhu cầu tăng; từ đó, kéo theo đơn hàng may mặc tăng nhanh trở lại. Đây là một dấu hiệu rất tích cực cho ngành dệt may Việt Nam nói chung, tạo công ăn việc làm cho số đông công nhân lao động ngành may mặc.

Bà Liên cho biết: Để xây dựng thương hiệu, nhất là đối với các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, doanh nghiệp phải luôn cải tiến để không ngừng nâng cao năng lực của nhà máy, năng suất của người lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến, ưu tiên số hóa; đồng thời, tăng cường tìm kiếm khách hàng ở các thị trường mới, các phân khúc mà công ty từ trước tới nay chưa khai thác; duy trì các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu mà khách hàng đề ra phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đơn hàng xuất khẩu “ấm” lên vì phục hồi về kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu khởi sắc. Từ đó, kéo theo nhu cầu mua sắm tăng, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gia tăng đơn hàng, tăng doanh thu, cải thiện thu nhập của công nhân lao động. Các thị trường có đơn hàng may mặc dồi dào là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...

Ông Hồng đánh giá, so với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng năm nay tăng từ 10-15%, với chiều hướng này hy vọng sẽ “giữ nhịp” gia tăng đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, đạt kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng may mặc cả nước là 44 tỷ USD. Ông Hồng phân tích thêm: Cùng với đơn hàng tăng cao, hầu hết doanh nghiệp đều tuyển dụng lao động thêm, song ngành may đang khan hiếm công nhân do số đông người lao động về quê. Các doanh nghiệp tính đến phương án phải tăng ca để đáp ứng đơn hàng và tăng thêm thu nhập cho người lao động.