Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương dự lễ.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai địa phương khẳng định, Tây Ninh và Bình Dương đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cùng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt còn nhiều dư địa để phát triển. Việc ký kết sẽ thúc đẩy kết nối vùng để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ… với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh và đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ký kết một số nội dung trọng tâm. Trong đó, với lĩnh vực giao thông vận tải, hai địa phương thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT.789 (Tây Ninh) với ĐT.744 (Bình Dương) trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khánh thành đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh
Về lĩnh vực đầu tư, hai bên xúc tiến và tạo điều kiện cho Tổng Công ty Becamex IDC nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng thời hai bên hỗ trợ, chia sẻ thông tin về công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư…
Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, hai địa phương cùng phối hợp trong thực hiện quy hoạch, quản lý về tài nguyên, cát, khoáng sản và bảo vệ môi trường hồ Dầu Tiếng và lưu vực hồ Dầu Tiếng.
Cùng với đó là một số nội dung quan trọng về cải cách hành chính, chuyển đổi số; du lịch; an ninh trật tự giữa hai địa phương.
Cũng tại lễ ký kết, đại diện Becamex IDC đã đề xuất hợp tác với chiến lược kết nối và phát triển theo hành lang logistics chiến lược, từ Tây Ninh hình thành hành lang công nghiệp Phnom Penh-Tây Ninh đến Bình Dương 30km và kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai) 60km; đề xuất xây tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) đến Tây Ninh và kết nối với Biên Hòa (Đồng Nai), Bà Rịa-Vũng Tàu…