Xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành “quận công nghệ cao"

NDO - Chiều 10/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Quang cảnh hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề (trong đó có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao), doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Khu Công nghệ vẫn còn có một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.

Tính đến hết năm 2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.425,14/1.586ha (đạt 89,3%).

Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, Vinaconex là nhà đầu tư hạ tầng khu Khu Công nghệ cao Hòa lạc từ nhiều năm nay. Ông đề nghị thành phố và Ban quản lý quan tâm, đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Lộc, đại diện Tập đoàn FPT đề xuất tháo gỡ những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng; giá và cơ chế cho thuê đất; cơ chế quản lý và ưu đãi về đất; xây dựng hạ tầng xã hội ở Khu Công nghệ cao; xem xét cải tiến rút gọn quy trình đăng ký đầu tư cho một số nhóm ngành đặc biệt; xây dựng hệ sinh thái cho mảng sản xuất chip và bán dẫn bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất…

Cũng tại buổi đối thoại, một số doanh nghiệp đã nêu một số kiến nghị liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực và việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đồng thời có giải pháp ngăn ngừa, xử lý dứt điểm nguyên nhân sự cố, bảo đảm chất lượng điện áp cung cấp cho doanh nghiệp bởi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành “quận công nghệ cao" ảnh 1
Các doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, các đơn vị chức năng đều cam kết đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề bảo đảm điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã được EVN Hà Nội trả lời cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sự quan trọng của chất lượng nguồn điện cho doanh nghiệp công nghệ cao và chỉ đạo rõ: “Doanh nhiệp công nghệ cần nhất là điện và nguồn nhân lực. Điện lực không vượt trội, không đi trước thì sẽ không giữ chân được doanh nghiệp trong lĩnh vực này". Do đó, EVN Hà Nội và các sở liên quan cần có chiến lược cụ thể, ưu tiên nguồn lực để bảo đảm điện cho các doanh nghiệp công nghệ cao, có cơ chế và đơn giá thông thoáng.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, vấn đề trước hết vẫn là cần thể chế đầy đủ dành cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để giải quyết những vấn đề cốt lõi trong hoạt động của Khu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, với cách tiếp cận, tầm nhìn “Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị hành chính thứ 31 của thành phố Hà Nội”, đơn vị này cần được trao thẩm quyền quản lý Nhà nước trọn vẹn, bảo đảm các điều kiện về giao thông, y tế, giáo dục…, chứ không đơn thuần xác định đây là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Từ cách tiếp cận đó, các khó khăn, vướng mắc hiện hữu mới được tháo gỡ căn cơ.