Sự thiếu hụt tổng cầu, gồm hoạt động đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nếu kéo dài có thể dẫn đến những hạn chế trong việc tăng tổng cung và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Đây là bài toán khó đang đặt ra cho quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Gỡ khó trong đầu tư công
Theo GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, các giải pháp thúc đẩy tổng cầu gồm khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công trở thành động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài công nghệ cao có sự kết nối lan tỏa với khu vực kinh tế trong nước.
Tại nhiều địa phương, tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đến nay vẫn chậm, ảnh hưởng tiến độ chung cả nước. Số liệu của Bộ Tài chính ước tính đến ngày 30/4/2024, vẫn còn 21 trong số 44 bộ, ngành và 31 trong số 63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.168 tỷ đồng, chiếm 3,19% kế hoạch.
Nhìn từ góc độ đầu tư công, mặc dù nguồn vốn đầu tư từ ngân sách liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây nhưng chất lượng đầu tư công vẫn còn những mặt hạn chế, khiến đầu tư công chưa thật sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.
Trong ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023, Trường đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra chất lượng đầu tư công hiện còn thấp và việc phân bổ nguồn vốn không hiệu quả. Điều này hàm ý rằng, ngoài việc nâng cao năng lực thu hút vốn đầu tư, các địa phương cũng cần có kế hoạch, chính sách phân bổ hợp lý và gia tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là hơn 663 nghìn tỷ đồng, bao gồm hơn 231 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước là 211.458 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và hơn 432 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Nếu tính chung cả kế hoạch vốn các năm trước được cho phép kéo dài sang là 25.948,7 tỷ đồng thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 lên đến 732.155,15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đến nay vẫn chậm, ảnh hưởng tiến độ chung cả nước. Số liệu của Bộ Tài chính ước tính đến ngày 30/4/2024, vẫn còn 21 trong số 44 bộ, ngành và 31 trong số 63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.168 tỷ đồng, chiếm 3,19% kế hoạch. Về tình hình giải ngân, ước khối lượng thanh toán, đạt 115.906,9 tỷ đồng, tương ứng 16,41% tổng kế hoạch, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là mức thực hiện cao hơn so cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn và nhiều đơn vị chưa phân bổ hết số vốn được giao đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024.
Liên quan đến các dự án quan trọng quốc gia chậm giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn thực hiện theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trong Báo cáo Điểm lại công bố tháng 4/2024, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khuyến cáo Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đây vừa là cách để giúp hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong tương lai. Ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư cho rằng đầu tư vào hạ tầng sẽ tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Theo ước tính, tăng đầu tư công thêm 1% có thể giúp GDP tăng thêm 0,1%. Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần – nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Duy trì các chính sách hỗ trợ
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ cần tiếp tục được duy trì, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố, thúc đẩy phục hồi. Nhờ tình hình tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, Việt Nam hiện vẫn còn dư địa tài khóa để tiếp tục thực hiện hỗ trợ có mục tiêu.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy tổng cầu, cần dựa vào chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ. Đồng thời, duy trì chính sách trọng cung và nuôi dưỡng những động lực tăng trưởng mới từ phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ. Giải pháp cần thực hiện ngay là xác định khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng, từ đó tạo môi trường đầu tư thuận lợi; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực; giảm đến mức thấp nhất thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Cùng với đó là kích cầu tiêu dùng thông qua các chính sách gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT để góp phần tăng sức mua hàng hóa.
Yếu tố khác có thể tác động tích cực đến sự phục hồi tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu là thực hiện cải cách tiền lương đối với công chức, viên chức và tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024. Theo GS, TS Phạm Hồng Chương chính sách kích cầu tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn này sẽ trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tâm lý tích cực và duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển của đất nước.
“Qua phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023, chúng tôi cho rằng các yếu tố tổng cầu đang suy giảm và chính sự suy giảm đó dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế cùng với nhiều hệ lụy khác. Nhìn vào điều kiện của Việt Nam với quy mô dân số Việt Nam hơn 100 triệu dân, tiêu dùng có nhiều tiềm năng để phát triển và đầu tư tư nhân còn nhiều cơ hội. Với đặc điểm đó, thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp nền kinh tế không chỉ tăng trưởng mà còn phát triển bền vững, tự chủ và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài”, GS, TS Phạm Hồng Chương nói.
Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, thực hiện hiệu quả chính sách kích cầu sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư Việt Nam.
Chính sách tài khóa vẫn phải là chủ công trong năm 2024 và cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn cho các ngành nghề, lĩnh vực trong khi chính sách tiền tệ chỉ còn mang tính chất bổ trợ vì đã cạn dư địa. Do đầu tư tư nhân gặp nhiều khó khăn, việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên về dài hạn, nền kinh tế không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.
GS, TS TÔ TRUNG THÀNH (Trường đại học Kinh tế quốc dân)