Tìm giải pháp xuất khẩu sầu riêng bền vững

NDO - Ngày 10/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức “Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00

Hội nghị được tổ chức trực tiếp, với sự tham gia của khoảng 200 khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố có vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, các Hiệp hội ngành nghề liên quan, đại diện các vùng trồng, cơ sở đóng gói và các đơn vị xuất khẩu.

Đặc biệt, tham dự hội nghị còn có đại diện một số tỉnh có vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã từng bị thông báo vi phạm quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm..

So với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…., Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm.

Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110.000ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1 triệu 200 nghìn tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018). Trong đó, xuất khẩu trên 600 nghìn tấn và thu về khoảng 2,2 tỷ USD.

Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập.

Tìm giải pháp xuất khẩu sầu riêng bền vững ảnh 1
Toàn cảnh "Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững", tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, cả nước đã có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng). Thị trường nhập khẩu chủ yếu sầu riêng của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc.

Trong bối cảnh mặt hàng sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Các trường hợp vi phạm không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh khi xuất khẩu và gian lận trong xuất khẩu sầu riêng, thậm chí thu hái cả sầu riêng xanh để xuất khẩu sang Trung Quốc, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sầu riêng Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau đánh giá toàn diện thực trạng tổ chức sản xuất để phát triển ngành sầu riêng, cũng như công tác quản lý mã số, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Từ đó, chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục. Đồng thời, giải pháp nhằm hướng đến sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.