Ngày 10/5, giá vàng miếng SJC liên tục phá các mốc đỉnh. Tính đến 14 giờ chiều, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã tăng tới 2,7 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng ở cả hai chiều mua vào-bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết tại mức 89,9-92,2 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng tăng mạnh giá vàng SJC thêm từ 2,2 đến 3,1 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng giao dịch trên thế giới giao ngay phổ biến quanh mức 2.364 USD/ounce. Như vậy, sau phiên tăng mạnh gần 41 USD/ounce ngày trước đó, giá vàng thế giới phiên châu Á hiện tại cũng tiếp tục tăng thêm hơn 18 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 72,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí liên quan). Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới tiếp tục giãn rộng lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Cùng với giá vàng “nhảy múa” chóng mặt, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua-bán vàng tại các cửa hàng lại tái diễn. Những diễn biến như vậy khiến nhiều người đặt dấu hỏi chung quanh hiệu quả của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu đến đâu, khi mà chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới không những thu hẹp mà ngày càng tăng cao?
Người dân xếp hàng chờ giao dịch vàng. |
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn nêu quan điểm, việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, thậm chí, còn kích hoạt tâm lý tăng giá. Giá vàng trong nước những ngày qua vẫn tăng, khoảng cách với vàng quốc tế tiếp tục giãn ra, điều đó có nghĩa không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng chỉ ra mục đích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là giảm giá vàng. Nhưng để làm được điều này, mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp, trong khi thực tế, giá tham chiếu đưa ra đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quá cao.
Do vậy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đấu thầu vàng không phải biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng, Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan,… sẽ về rất nhanh," ông Nghĩa khẳng định.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức các phiên đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế. Việc cần làm về lâu dài là sửa đổi Nghị định 24 2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Chắc chắn nếu sửa đổi Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng nêu nhận định, từ trước đến nay Việt Nam mới áp thuế doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, chủ yếu dựa trên số liệu tự khai và khó kiểm soát. Từ kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, ông Thịnh kiến nghị nên bắt buộc mua bán vàng phải xuất hóa đơn. Đối với những người kinh doanh có doanh thu, có thu nhập phải đóng thuế, như vậy sẽ hạn chế được việc đầu cơ vàng.
“Để thị trường vàng trở nên minh bạch hơn, nên áp dụng ngay việc xuất hóa đơn khi mua bán vàng. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm bắt rõ hơn lượng cung cầu trên thị trường, nguồn gốc vàng và hạn chế tình trạng đầu cơ”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất thêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn.
Trong khi đó, liên quan đến giải pháp đấu thầu vàng trước mắt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400-500 lượng vàng, thay vì 700-1.400 lượng như hiện nay, để thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá cọc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra còn cao.