Yến sào Việt chính thức xuất khẩu sang Pháp
Lô hàng tổ yến sào và các sản phẩm nông nghiệp Việt đầu tiên của công ty Hải Yến Nha Trang vừa được thông quan 100% vào Pháp. Lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang Pháp bao gồm: Tổ yến sào Nha Trang; Yến hũ dinh dưỡng và Cà-phê yến sào Nha Trang. 100% sản phẩm được thông quan, đạt chuẩn các chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.
Sau khi thông quan, các sản phẩm này đã có mặt tại Hội chợ quốc tế “Foire de Paris”, vừa được tổ chức tại Paris từ ngày 27/4 đến 8/5/2024. Đây là một trong những hội chợ có quy mô lớn ở châu Âu. Gian hàng trưng bày sản phẩm của Hải Yến Nha Trang nhận được nhiều sự quan tâm từ quan khách tham quan.
Để được thông quan sang thị trường Pháp, sản phẩm yến sào phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của nước sở tại. |
Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty Hải Yến Nha Trang cho biết: “Chúng tôi đã có thời gian làm việc khá dài để cùng các cơ quan chức năng của Pháp tạo nên bộ khung kiểm định cho các sản phẩm yến sào từ những công đoạn đầu tiên cho đến khi hàng hóa sang Pháp và được kiểm định thành phẩm. Để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Pháp, khâu chuẩn bị phải luôn cẩn thận trong từng bước đi để bảo vệ chất lượng và thương hiệu yến sào Việt khi đến với thị trường quốc tế. Đây là một trong những cột mốc đáng mừng của Hải Yến Nha Trang nói riêng và thị trường yến sào Việt nói chung. Tôi mong rằng trong tương lai, yến sào Việt sẽ được ưa chuộng tại Pháp và thị trường châu Âu”.
Theo bà Hải, các sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu phải đáp ứng các yêu cầu kiểm định từ các giai đoạn: Thu mua nguyên liệu, chế biến sản xuất, kiểm tra chất lượng, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Để gia tăng thêm năng lực cạnh tranh, chất lượng của sản phẩm Việt tại thị trường quốc tế, công ty đã chủ động tạo nên quy trình kiểm định chất lượng, xét nghiệm đánh giá sản phẩm thông qua các đơn vị kiểm định uy tín trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi đến các cơ quan kiểm định chất lượng của nước sở tại.
“Để các cơ quan chức năng Pháp hiểu rõ về sản phẩm nông nghiệp đặc thù yến sào, chúng tôi chủ động tiên phong thực hiện nhiều công đoạn, quy trình kiểm định chất lượng chi tiết sản phẩm. Đây là bước đi thận trọng của doanh nghiệp trong quá trình đưa yến sào Việt đến các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có thói quen, đặc tính sử dụng yến sào trong việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng của nước sở tại còn quan tâm đến nhiều tác động khác nhau về môi trường, các yếu tố phát triển bền vững… trong quá trình sản xuất sản phẩm. Xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên sang thị trường Pháp đánh dấu một bước ngoặt mới chinh phục các thị trường 'khó tính' của ngành yến sào nói chung và của công ty nói riêng", Giám đốc công ty Hải Yến Nha Trang chia sẻ.
Nhiều cơ sở để hình thành ngành công nghiệp về yến
Trước cơ hội thị trường rộng mở, Việt Nam đã xếp yến sào là một trong những sản phẩm chăn nuôi đặc biệt. Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành yến và mục tiêu đạt tỷ USD là không quá xa.
Hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn. |
Hiện cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tăng cường liên kết, đầu tư với người dân để phát triển đàn chim yến.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nêu ý kiến: "Phải coi yến là một vật nuôi mà Luật Chăn nuôi đã được luật hóa. Nuôi ở đây không phải là nuôi trồng mà là khai thác có kiểm soát thì chúng ta mới có thể duy trì, phát triển được. Hệ thống các nhà yến phải có đủ điều kiện, sản phẩm yến phải được tiêu chuẩn hóa và quy chuẩn hóa. Chúng ta phải làm theo được như vậy thì mới khẳng định được thương hiệu quốc gia về yến của Việt Nam".
Nâng tầm giá trị trầm hương và yến sào
Sắp tới, ngoài những doanh nghiệp được xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chí cao của thị trường. Với lợi thế có 42/63 tỉnh, thành phố có chim yến, cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến.