Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8% đã đề ra. Thực hiện được mục tiêu này, không chỉ bảo đảm phát triển hiệu quả kinh tế-xã hội của thành phố mà còn đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng chung cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Hoạt động sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).

Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Buổi gặp gỡ khẳng định chính quyền thành phố luôn đồng hành với các doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến, góp ý của các hiệp hội và doanh nghiệp để mở ra cơ hội thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo thống kê, về thu hút đầu tư nước ngoài, kết thúc năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với tổng số vốn đăng ký 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022 và chiếm khoảng 16% vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Đây là điểm sáng của môi trường đầu tư thành phố, khẳng định việc thực thi các cam kết của lãnh đạo thành phố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài với 1.109 dự án, chiếm khoảng 86,52% tổng vốn đầu tư; kế tiếp là hình thức liên doanh với 90 dự án chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư; còn lại là hợp đồng hợp tác kinh doanh với ba dự án chiếm 0,51% tổng vốn đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, những đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tổng đầu tư toàn xã hội của thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế thành phố và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương (chiếm khoảng 23% GDP cả nước).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trong thu hút đầu tư FDI, thành phố đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động; về liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa chưa cao; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa, cũng như góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, thành phố cần tập trung củng cố hệ sinh thái sản xuất giá trị cao.

Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực như giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển logistics, năng lượng, tăng trưởng xanh; đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, đơn giản hóa chính sách visa làm việc; mở rộng và thu hút đầu tư mới cho ngành công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp cho rằng, dù có dân số đông và trẻ, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, nhất là các ngành đòi hỏi chuyên môn về kỹ thuật tiên tiến, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các nhà đầu tư.

Ông Dominik Meichle, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: EuroCham quan tâm đến phát triển xanh, bền vững. Vì vậy, EuroCham chú trọng quan hệ đối tác với thành phố trong các lĩnh vực như thị trường tín chỉ các-bon, xây dựng khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như khung chính sách toàn diện cho sự phát triển xanh của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo động lực mới trong thu hút đầu tư

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) chia sẻ: Với vai trò là Trưởng ban điều hành Hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, ITPC đã chủ trì và tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức các hoạt động đối thoại, gặp gỡ giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp, qua đó, lắng nghe và tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tập trung tháo gỡ, giải quyết, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Năm 2023, Hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, điều phối và giải đáp hơn 492 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua hình thức đối thoại trực tuyến. Đối với hình thức đối thoại trực tiếp, tổ chức 19 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thu hút 3.777 lượt doanh nghiệp tham dự, bao gồm 2.311 doanh nghiệp trong nước và 1.466 doanh nghiệp FDI. Theo đó, các sở, ban, ngành đã trao đổi, giải đáp hơn 1.377 câu hỏi (761 câu hỏi của doanh nghiệp trong nước và 616 câu hỏi của doanh nghiệp FDI).

Với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98, thành phố đang nỗ lực triển khai các cơ chế, chính sách được trao, tận dụng tốt nhất các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện sẽ đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế thành phố và sự thịnh vượng của người dân, doanh nghiệp.

Từ những chính sách vượt trội của Nghị quyết 98, thành phố sẽ tạo động lực mới trong thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của thành phố; đẩy nhanh tiến độ hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định: Thông qua Nghị quyết 98, thành phố hy vọng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào thành phố sẽ sớm được giải quyết.

Ngoài ra, thành phố đang cho thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố do ITPC là cơ quan thường trực nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tháo gỡ điểm nghẽn, đề ra các giải pháp phù hợp.