Tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường vàng

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp kinh doanh vàng.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua, bán vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV).
Lực lượng chức năng kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua, bán vàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV).

Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, đồng thời tuyên truyền cho các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh vàng về việc chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động mua bán vàng.

Theo đó, các đội quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn các quận, huyện. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo quy định. Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như: Bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa. Ngoài ra, các mặt hàng (bông tai, mặt dây chuyền, lắc tay…) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: Chanel, Versace, Louis Vuitton… Lực lượng quản lý thị trường thành phố đã lập biên bản và tiếp tục làm rõ để xử lý theo luật định.

Đáng chú ý, ngày 9/4, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường thành phố đã thành lập sáu đoàn kiểm tra, phối hợp với Ủy ban nhân dân, Công an phường đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất sáu điểm kinh doanh vàng trên địa bàn Quận 6, Quận 8.

Kết quả kiểm tra bước đầu ghi nhận, một địa điểm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và năm địa điểm có các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hàng hóa là trang sức các loại có dấu hiệu vi phạm bị tạm giữ có tổng giá trị là hơn 177 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 6 đã lập biên bản và ban hành sáu quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố đã phối hợp với Ban Quản lý chợ Thiếc, địa chỉ số 129 Phó Cơ Điều, Phường 6, Quận 11 thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức pháp luật đối với các tiểu thương kinh doanh mặt hàng vàng; các tiểu thương đã thực hiện ký bản cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa bàn tiến hành các hoạt động giám sát, xác minh và tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần làm bình ổn thị trường kinh doanh vàng, bảo đảm quyền lợi cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Quản lý thị trường.

Theo Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24), trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động; không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.