Nâng cao chất lượng hàng Việt Nam

Qua rồi cái thời “hàng tốt chỉ để dành xuất khẩu”, ngày nay, những mặt hàng chất lượng cao lại được nhiều doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên tiêu thụ tại thị trường nội địa. Không những vậy, các doanh nghiệp, điểm phân phối còn liên kết cùng cải tiến sản phẩm, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhằm chinh phục người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau tại cơ sở chế biến Thuận Hòa (Long An).
Sản xuất rau tại cơ sở chế biến Thuận Hòa (Long An).

Cuối tháng 3 vừa qua, siêu thị Bách hóa Xanh đã liên kết với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đưa con tôm tươi chuyên dành xuất khẩu đến tay người tiêu dùng trong nước. Đây là động thái quay trở lại thị trường nội địa của Tập đoàn Minh Phú sau hơn 15 năm tập trung cho lĩnh vực xuất khẩu.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: Đã nghiên cứu thành công và nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO, bảo đảm không kháng sinh, không hóa chất nhưng vẫn đạt chất lượng cao và giá thành rẻ. Tôm được đội ngũ cung ứng của tập đoàn giám sát chất lượng từ hai, ba lần trước khi thu hoạch. “Chúng tôi là một trong những đơn vị chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đứng đầu thế giới, nhưng tại thị trường nội địa lại chưa tới 1% thị phần doanh nghiệp. Minh Phú muốn đưa những sản phẩm tươi ngon, chất lượng cao nhất đến tay người dân trong nước”, ông Quang nói.

Dù tôm xuất khẩu nhưng giá bán tại siêu thị ngang giá chợ, tương ứng 168.000 đồng/kg. Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh Phạm Văn Trọng chia sẻ: Tôm sống sau khi vớt lên từ ao nuôi sẽ được cho vào nước đá lạnh nhằm giữ trạng thái ngủ đông, giúp tôm tươi ngọt, chắc thịt và chuyển ngay về kho của siêu thị.

Từ đây, tôm sẽ được phân phối đến các cửa hàng, bảo quản liên tục trên mâm có nước và đá ở nhiệt độ từ 0-4 độ C để bảo đảm chất lượng khi đến tay khách hàng. “Đây là minh chứng cho nỗ lực của nhà bán lẻ trong việc tìm kiếm và cung ứng nguồn nhu yếu phẩm uy tín, chất lượng cao; từ đó, nâng tầm bữa cơm gia đình Việt. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn hội nhập hoặc đã xuất khẩu vào những thị trường khó tính”, ông Trọng cho biết.

Có nhiều mặt hàng trái cây trồng theo hướng hữu cơ như dưa lưới, nho, táo, ổi, thanh long…; có thị trường xuất khẩu hơn 20 quốc gia nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) lại chủ yếu tiêu thụ các loại nông sản này trong nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị G.C Food Nguyễn Văn Thứ cho biết: Muốn đưa những sản phẩm tươi ngon, chất lượng chinh phục người tiêu dùng Việt Nam chứ không chỉ chăm chăm xuất khẩu. “Chúng tôi chưa xuất khẩu các dòng sản phẩm này mà chủ yếu chú trọng thị trường trong nước. Công ty đầu tư vào chất lượng, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học trong canh tác nên trái cây rất ngon và sạch; thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì cũng được chúng tôi đầu tư kỹ lưỡng. Tôi cho rằng, nên tận dụng lợi thế sân nhà để bán hàng”, ông Thứ bộc bạch.

Không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, cải thiện chất lượng để hàng Việt ngày càng phù hợp hơn với người tiêu dùng trong nước, nhiều thương hiệu Việt Nam có tên tuổi ở thị trường quốc tế đã từng bước quay trở về chinh phục “sân nhà”.

Trong rất nhiều chương trình kết nối, quảng bá, đưa hàng vào siêu thị hiện nay, ông chủ thương hiệu cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận vẫn kiên trì đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại. Meet More đã không còn xa lạ với các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia... và đang dần được người tiêu dùng đón nhận. Tương tự, Bình Tây Foods với các thương hiệu như mì chay lá bồ đề, mì kiwi, lẩu nấm… cũng thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình Việt.

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải sản phẩm ngon, sạch, chất lượng tốt nào cũng được lòng “thượng đế”. Giám đốc điều hành Công ty An Phát Huỳnh Thị Thu Trang cho biết: Dưa lưới trồng trong nhà màng được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm an toàn nhưng năng suất chỉ bằng một phần ba so với dưa trồng ngoài ruộng, sử dụng phân bón hóa học.

Thế nhưng, giá bán hai loại dưa ra thị trường không chênh lệch bao nhiêu. “Các nhà sản xuất chân chính đang gặp khó khăn khi sản phẩm của mình phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng”, bà Trang nói. Những mặt hàng trong nước kém chất lượng, không minh bạch nguồn gốc, xuất xứ là một trong những “rào cản” khiến người tiêu dùng e ngại khi chọn mua. Thống kê từ lực lượng quản lý thị trường thành phố cho thấy, chỉ riêng năm 2023, lực lượng này tiến hành kiểm tra 630 vụ, trong đó có tới 508 vụ vi phạm với 344.547 đơn vị sản phẩm thực phẩm. Hàng hóa vi phạm phổ biến là không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Bên cạnh những sản phẩm có chất lượng tốt thì thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp những “hạt sạn” ở hàng hóa trong nước. Vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy, cần thiết lập một thị trường minh bạch, xây dựng các thương hiệu nông sản, hàng hóa giá trị là điều cần thiết để nâng chất lượng hàng Việt.

Trong đó, cần một chế tài chặt chẽ để nâng trách nhiệm của chủ thể tham gia chuỗi cung ứng. Chủ tịch Hội Chất lượng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Liêng cũng nhận định: Chất lượng sản phẩm cần gắn với sự phát triển bền vững. Theo đó, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, không ảnh hưởng đến môi trường sẽ là điểm cộng để các nhà sản xuất trong nước theo đuổi.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu sáu hệ thống phân phối hiện đại đã ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trong hệ thống trên địa bàn thành phố với những nhóm sản phẩm như rau củ, trái cây, thịt tươi sống.

Theo Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, hàng tươi sống thường có nguy cơ mất an toàn cao, nên việc áp dụng kiểm soát trước với ngành hàng này là phù hợp. “Mục tiêu siết chặt chất lượng, đồng nghĩa việc tăng trách nhiệm cho các nhà cung cấp, gắn lực lượng này vào để cùng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bởi để một mình siêu thị thực hiện là không xuể”, ông Nghĩa nói. Để minh bạch, xác thực nguồn gốc sản phẩm, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo kế hoạch, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn thực phẩm, các sở, ban, ngành quản lý sản phẩm, hàng hóa xây dựng các tài liệu hướng dẫn về mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố và sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhằm chuẩn hóa phương thức thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng một cách nhất quán trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch cũng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc; xây dựng và triển khai các hoạt động kết nối và đưa sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý đã thực hiện truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng thành phố; quan tâm hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong việc kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, thực phẩm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc về thành phố.

Việc triển khai kế hoạch nhằm bảo đảm cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc đến các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Kế hoạch cũng đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang tính hệ thống, công khai minh bạch, xác thực các thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc kết hợp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truy xuất nguồn gốc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.