Ðể có mặt bằng thi công dự án, cần thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 1.386ha đất, trong đó, Hà Nội cần thu hồi 798,043ha đất để xây dựng 58,2km đường. Ðể bảo đảm thu hồi 70% diện tích đất trước ngày 30/6/2023, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt.
Trước hết, thành phố đã phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở tham gia công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong nhân dân. Thành phố tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, mạnh dạn ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thành phố mạnh dạn tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, để việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt. Nhờ đó, thành phố đã thu hồi hơn 84% mặt bằng, cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%.
Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương thành phố Hà Nội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, từ công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… để đủ thủ tục khởi công dự án. Tuy nhiên, kết quả này mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn. Khối lượng giải phóng mặt bằng của thành phố tuy không còn nhiều (16%) nhưng chủ yếu là diện tích đất ở của các hộ dân, cùng việc bố trí tái định cư với nhiều khó khăn, phức tạp và dễ phát sinh khiếu nại, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Mặt khác, việc thi công dự án này đòi hỏi khối lượng vật liệu xây dựng lớn, công trường thi công trải dài, chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết, do đó rất cần chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức thi công khoa học, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguồn vốn thi công dự án cũng hết sức quan trọng. Dự án đường vành đai 4 là một trong năm dự án giao thông trọng điểm của quốc gia dịp này được áp dụng cơ chế đặc thù, đó là huy động nguồn lực cho dự án từ việc kết hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong tổng nguồn vốn hơn 85.800 tỷ đồng của dự án đường vành đai 4, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (trong đó ngân sách của Hà Nội là hơn 19.470 tỷ đồng); nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 5.710 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách khoảng 23.524 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Mới đây, thành phố đã quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023, tăng 3.840 tỷ đồng cho dự án đường vành đai 4; trong đó bố trí gần 3.300 tỷ đồng cho công tác bồi thường, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Nhìn chung, thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ để đưa công trình về đích đúng hạn, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2026, đưa vào vận hành từ năm 2027.