Tạo thuận lợi cho xe buýt hoạt động hiệu quả

Theo thống kê của ngành giao thông-vận tải thành phố, hiện tại mạng lưới xe buýt của thành phố có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 91 tuyến xe buýt có trợ giá, 37 tuyến xe buýt không trợ giá, với tổng cộng 2.109 xe buýt đang được khai thác, tăng một tuyến so với cuối năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00

Đến nay, mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến tất cả 22 quận, huyện và thành phố trực thuộc (đạt 100%) và 178 trong số 322 số xã, phường, thị trấn (đạt 55,3%). Mạng lưới xe buýt cũng đã tiếp cận tới 62 bệnh viện và 236 trường học (từ cấp tiểu học đến đại học).

So với thời điểm đại dịch Covid-19 căng thẳng, ngành giao thông-vận tải thành phố đã khôi phục hoạt động tất cả 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 24 trong số 37 tuyến xe buýt không trợ giá, với số chuyến khôi phục đạt tỷ lệ 89,8% so với số chuyến hoạt động trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện tại, vẫn còn 13 tuyến xe buýt không trợ giá chưa khôi phục được, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp vận tải và các tỉnh liền kề để thống nhất phương án khôi phục trong thời gian tới. Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch tăng số chuyến hoạt động các tuyến xe buýt có trợ giá, dự kiến đến hết năm 2022 có thể tăng từ 200 nghìn chuyến đến 270 nghìn chuyến.

Tuy nhiên, xe buýt vẫn chưa chứng minh được sức hấp dẫn, chưa đạt ưu điểm vượt trội, còn thiếu không ít tiện ích cho nên người dân vẫn chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân. Vì vậy, trong những năm gần đây, hoạt động xe buýt gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, lượng hành khách sụt giảm mỗi năm và không đạt như kỳ vọng, khiến các đơn vị khai thác xe buýt thường xuyên thua lỗ, nhiều đơn vị còn hoạt động được là nhờ kinh phí trợ giá của thành phố.

Riêng hai năm 2020 và 2021, theo ước tính của các đơn vị vận tải, lượng hành khách đi xe buýt giảm lần lượt là 40% và 60%. Số lượng hành khách đi xe buýt giảm do nhiều nguyên nhân, như: Xe buýt chạy chưa đúng giờ, chưa thuận tiện và cơ động bằng phương tiện đi lại cá nhân, thiếu tiện nghi... Không những vậy, xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên nén (CNG) là điểm đột phá, nổi bật của thành phố. Từng có thời điểm (cách nay khoảng 5 năm), số lượng xe buýt CNG của thành phố lên tới 500 xe, nhưng hiện nay loại xe buýt này đã bị teo tóp, hoạt động èo uột vì thiếu hệ thống nạp CNG, định mức trợ giá chưa hợp lý... Tương tự xe buýt CNG, xe buýt điện cũng chưa được quan tâm đúng mức cho nên chưa thể phát triển mạnh như mong muốn.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia giao thông và các doanh nghiệp vận tải cho rằng, thành phố cần phải có chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng phù hợp, hiệu quả hơn. Trong đó, cần có những cơ chế ưu đãi về mua sắm phương tiện, tín dụng... Quan tâm trợ giá và trợ giá hợp lý hơn thì xe buýt mới có thể được khai thác, vận hành suôn sẻ.

Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt trong việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, cũng như sớm có giải pháp giảm nạn kẹt xe, xóa bỏ được các điểm đen về kẹt xe. Cùng với đó, cần sớm nghiên cứu và đưa vào sử dụng đường dành riêng, làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mặt khác, để có thể nâng cao lượng hành khách đi xe buýt, ngành giao thông-vận tải cần tăng cường và làm tốt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân quay lại sử dụng xe buýt sau thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19. Về lâu dài, công tác lập quy hoạch cần được chú trọng và đầu tư đúng mức. Quy hoạch phát triển đô thị cần bố trí các đầu mối và loại hình giao thông hợp lý, kết nối dễ dàng và tạo thuận tiện cho nhau. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách công cộng.