Tạo hành lang pháp lý cho phát triển nhà ở xã hội

Nhà ở phù hợp khả năng chi trả của người dân, trong đó có nhà ở xã hội, là bài toán đặc biệt khó đối với đô thị lớn như Hà Nội vì nhu cầu lớn, gia tăng liên tục, trong khi quỹ đất hạn hẹp, nguồn lực tài chính phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực ưu tiên, cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00

Thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, thành phố Hà Nội được giao chỉ tiêu đầu tư xây dựng 56.200 căn; trong đó, 18.700 căn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã lồng ghép việc tổ chức triển khai đề án với việc chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Thành phố thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Trong năm 2024, thành phố dự kiến phát triển mới để hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại bảy dự án, trong đó, có ba dự án đang triển khai, bốn dự án phát triển mới. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đang tiến hành rà soát quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội.

Giải pháp quan trọng có thể tạo ra sự thay đổi trong phát triển nhà ở xã hội của Thủ đô đó là khắc phục những bất cập của quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế vượt trội, hiệu quả và mang tính dài hạn. Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đưa ra điều khoản riêng về phát triển nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc. Dự thảo Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách; quy hoạch; đất đai; nguồn lực thực hiện. Về nguồn lực, bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách thành phố, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở sẽ được huy động thông qua nhiều hình thức như: Doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác, nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, huy động hiệu quả nguồn vốn nước ngoài thông qua các cơ chế huy động tài chính quốc tế như: Quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, liên doanh, liên kết thực hiện dự án đầu tư nhà ở; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Khẳng định việc phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, gắn với định hướng phát triển đô thị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau ■