Các cầu vượt cho người đi bộ được đề xuất đầu tư xây dựng phải bảo đảm các nguyên tắc: đã có văn bản chỉ đạo nghiên cứu, lập dự án của Ủy ban nhân dân thành phố; xây dựng cầu vượt tại vị trí sẽ giải quyết được nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông; đáp ứng kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã, phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân.
Ngoài ra, các vị trí dự kiến xây dựng cầu vượt đi bộ phải bảo đảm không trái với các quy hoạch được duyệt; phải đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí trụ cầu, lề đường cho người đi bộ…
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt cho người đi bộ được xây dựng gần các nút giao thông, các tuyến đường có mật độ lưu thông lớn, hoặc những khu vực gần bệnh viện, trường học.
Trên thực tế, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, nhất là các cầu trên các tuyến phố có lượng phương tiện giao thông lớn như cầu qua phố Trần Nhật Duật, phố Chùa Bộc, phố Tây Sơn, đường Nguyễn Trãi…
Bên cạnh những cây cầu cho người đi bộ được khai thác, sử dụng rất tốt, vẫn còn một số công trình chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư do một số người đi bộ vẫn cố tình băng qua đường, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông.
Ðại diện Ðội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, trên tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) có khoảng bảy trường đại học, cao đẳng, rất đông sinh viên. Trên tuyến đường này có hai cầu vượt cho người đi bộ, có lối lên, xuống gần điểm chờ xe buýt và cổng trường học. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không chọn đi lên cầu vượt, mà bất chấp nguy hiểm băng qua những dòng phương tiện đang lao vun vút để qua đường, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Theo quy định, người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt từ 60.000 đến 100.000 đồng.
Vì vậy, thời gian tới, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người đi bộ nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, qua đường đúng nơi quy định, loại bỏ thói quen qua đường tùy tiện, hình thành nét văn hóa giao thông văn minh, thanh lịch, khai thác, sử dụng các công trình giao thông đúng công năng, phát huy tốt hiệu quả đầu tư.