Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm). Thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Cùng với sốt xuất huyết, tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 52 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 22 ca so với tuần trước. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.961 ca mắc tay chân miệng, tăng 443 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Sau bão số 3, Hà Nội lại phải ứng phó với tình hình mưa lũ. Đến nay, mực nước sông Hồng, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 1, hơn 40 nghìn người các phường ngoài đê đi sơ tán để tránh ngập đã quay trở về nhà. Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ… đã vận động người dân cùng các ngành chức năng tổng vệ sinh, đồng thời phun thuốc khử khuẩn tránh phát sinh dịch bệnh.
Tuy nhiên, ở khu vực ngoại thành, mực nước sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cầu, sông Cà Lồ xuống chậm, các vùng trũng, ven sông, bãi bồi ngoài đê thuộc các huyện Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn... còn tiếp tục bị ngập úng kéo dài.
Trong hai ngày cuối tuần qua, các quận, huyện, thị xã đã huy động hơn 142 nghìn người thuộc các lực lượng tham gia dọn vệ sinh môi trường sau bão lũ. Tuy nhiên, trừ địa bàn các quận ở khu vực trung tâm đã được dọn sạch, thì số lượng cây gãy, đổ, cành, lá cây rụng chưa thu dọn vẫn còn nhiều, vừa làm xấu cảnh quan môi trường, vừa tạo điều kiện côn trùng sinh sản, truyền bệnh.
Do đó, những ngày tới, nhất là các quận, huyện mới bị ngập úng hoặc đang tiếp diễn tình trạng này cần tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đồng thời, thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành y tế.