An toàn đê điều là ưu tiên số 1

Trong những ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra mưa lớn trên diện rộng, nước lũ trên các sông Hồng, Ðuống, Nhuệ, Ðáy, Bùi, Tích… dâng cao, lên mức báo động 2, báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn hệ thống đê điều.
0:00 / 0:00
0:00

Ðể bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã đã tổ chức ứng trực 24 giờ mỗi ngày, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống đê, kè, cống, trạm bơm để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó những tình huống xấu có thể xảy ra.

Trên thực tế, trong những ngày vừa qua, các lực lượng tại các địa phương đã làm khá tốt việc này.

Tại huyện Chương Mỹ, ngày 10/9, ngay khi phát hiện nguy cơ tràn, vỡ một số đoạn đê Vàng thuộc xã Ðông Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64 đã phối hợp lực lượng chức năng và người dân địa phương sử dụng các rọ đá cỡ lớn, đá hộc, bao cát để gia cố các vị trí sạt lở.

Mặc dù trời mưa to, nước sông Tích chảy xiết, nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, chỉ sau thời gian ngắn sự cố nhanh chóng được khắc phục.

Tại huyện Thanh Trì, trong ngày 9 và 10/9, khi nước sông Nhuệ dâng cao, đe dọa an toàn đê điều, lực lượng chức năng đã tiến hành gia cố, chống tràn, tránh sạt trượt mái đê; di dời một số người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.

Chiều 10/9, khi phát hiện sự cố sạt lở một số đoạn đê sông Nhuệ thuộc xã Ðại Áng, nguy cơ vỡ đê rất cao, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì và xã Ðại Áng đã huy động hơn 1.000 người khẩn cấp khắc phục. Lực lượng chức năng đã sử dụng rọ đá, đá hộc, bao cát, đến trưa 11/9 thì hoàn thành gia cố vị trí sạt lở, đắp đất, cát chống tràn gần 1.000m bờ đê.

Tại khu vực nội thành, quận Ba Ðình lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại phường Phúc Xá để chỉ đạo các lực lượng triển khai các phương án ứng phó bão lũ, bảo đảm an toàn cho nhân dân ngay tại chỗ.

Theo dự báo, lũ trên các tuyến sông còn tiếp tục diễn biến phức tạp, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong khi nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều; vì vậy, các cơ quan, đơn vị không được chủ quan.

Các quận, huyện, thị xã có các tuyến đê cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để kịp thời hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Các đơn vị cần thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê, kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao. Tất cả nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân và của Nhà nước.