Tạo đột phá về kỷ cương, kỷ luật

Dù mới được triển khai được thời gian ngắn, nhưng Chỉ thị số 24 đã thật sự là “liều thuốc” mạnh để điều trị căn bệnh trì trệ tồn tại trong hệ thống chính trị của thành phố. Có những việc trước đây triển khai khá ì ạch, thì nay đã được xử lý quyết liệt, bước đầu đạt được hiệu quả từ thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Bà Vì (Hà Nội) trao quyết định điều động, bổ nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh.
Lãnh đạo huyện Bà Vì (Hà Nội) trao quyết định điều động, bổ nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh.

Bài 3: Những chuyển biến bước đầu

Theo Thường trực Huyện ủy Ba Vì, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng một số nơi có biểu hiện né tránh trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong xử lý vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Luân chuyển cán bộ đùn đẩy trong công việc

Biểu hiện rõ nhất là việc nắm bắt, xử lý vi phạm ngay từ ban đầu. “Có trường hợp xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhưng cán bộ ở địa bàn nói không nắm được. Điều này là không thể chấp nhận, bởi nếu để xảy ra vi phạm, việc xử lý sẽ rất phức tạp, nhưng cán bộ còn nể nang, né tránh, thiếu quyết liệt”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phùng Tân Nhị nói và cho biết, với những trường hợp như vậy, huyện sẽ kiên quyết xử lý.

Gần đây, khi xảy ra trường hợp vi phạm tại xã Cẩm Lĩnh, huyện cho cán bộ lãnh đạo xã một thời gian để xử lý vi phạm, nhưng không có chuyển biến. Theo đúng tinh thần Chỉ thị số 24, đầu tháng 10/2023, huyện điều chuyển một đồng chí ở huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã, còn đồng chí Bí thư Đảng ủy trước đó chuyển sang thay Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được cho nghỉ công tác. “Có trường hợp cán bộ dù chưa đến mức kỷ luật, nhưng có biểu hiện trì trệ, yếu kém, không có chuyển biến khi thực hiện nhiệm vụ được giao, Huyện ủy sẽ làm việc cụ thể, có biện pháp để cán bộ chủ động xin nghỉ công tác”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Vì Phùng Tân Nhị nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn, “điểm yếu hiện nay trong bộ máy thực thi công vụ là công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Từng đơn vị thì rất tốt, nhưng khi có công việc cần các đơn vị phối hợp giải quyết thì chưa đồng bộ, cho nên công việc chưa trôi chảy, có biểu hiện đùn đẩy”.

Bởi vậy, cần phải xem xét lại việc đánh giá cán bộ hằng tháng, mặc dù đã có thang điểm rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy còn chưa sát với từng cán bộ, có biểu hiện chung chung, nể nang, dĩ hòa vi quý. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, phải đánh giá đúng, trúng để cán bộ tốt tiếp tục phát huy, cán bộ yếu phải nỗ lực vươn lên. Không thể để xảy ra tình trạng trong đánh giá hằng tháng, tập thể đơn vị chưa hoàn thành công việc, tiến độ giải quyết chậm, nhưng tất cả cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Không chỉ tham nhũng mới là vi phạm, mà việc đùn đẩy công việc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng việc thực thi công vụ. Cán bộ nào có biểu hiện như vậy thì tới đây chắc chắn sẽ bị kiểm điểm và luân chuyển. Sau khi tiến hành kiểm tra, giám sát, những cá nhân điển hình tiêu biểu, có cách làm hay, đột phá trong việc thực thi trách nhiệm công vụ phải được tôn vinh”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ “mạnh tay” kỷ luật

Tại huyện Quốc Oai, ngay sau khi Chỉ thị số 24 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện theo dõi sát sao các nhiệm vụ cụ thể, không để chậm việc, sót việc; hằng tuần thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện.

Theo lãnh đạo Huyện ủy, đến nay, các nhiệm vụ được huyện tập trung chỉ đạo đã có nhiều chuyển biến, trong đó có những nội dung kéo dài từ nhiều năm nay. Thời gian qua, những vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn đã được huyện xử lý quyết liệt, trong đó có ba trường hợp bị xử lý hình sự liên quan đến vi phạm tại xã Đồng Quang. Huyện đã tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cộng Hòa để tập trung giải quyết dứt điểm vi phạm về đất đai.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Hà Nam cho biết, tại huyện Sóc Sơn, trên cơ sở Chỉ thị số 24, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện, trong đó từ 25 biểu hiện Thành ủy chỉ ra, huyện đưa ra 30 nhiệm vụ, vấn đề cụ thể trên địa bàn, tập trung vào những lĩnh vực “nóng” như quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường.

“Chúng tôi không giao việc chung chung mà đều xác định thời gian cụ thể phải hoàn thành”, đồng chí Nguyễn Hà Nam nói. Nhờ đó, đến nay nhiều lĩnh vực bước đầu chuyển biến tích cực, nhất là tinh thần chủ động, trách nhiệm với công việc được nâng lên rõ rệt.

Tại xã Kim Lũ, trước tháng 6/2023, mỗi năm số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn được cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó nguyên nhân chính là cán bộ chuyên môn chưa làm hết trách nhiệm.

“Thực tế người dân có nhu cầu, nhưng khi ra làm thủ tục thì cán bộ hướng dẫn lòng vòng, lúc thiếu này, lúc thiếu kia, người dân phải đi lại nhiều dẫn đến tâm lý chán chường, không muốn làm nữa”, lãnh đạo xã thẳng thắn chia sẻ. Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân xã đã thành lập một ban giải quyết vấn đề cấp “sổ đỏ”, mời các phòng, ban của huyện xuống tham vấn cụ thể xem người dân cần làm những giấy tờ gì để hoàn thiện thủ tục.

Sau đó, xã thông báo rộng rãi cho người dân có nhu cầu đến làm, có vướng mắc gì sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để hướng dẫn, giải quyết. Nhờ đó đến nay, xã chuyển được 80 hồ sơ lên các cơ quan chuyên môn thẩm định để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành được 150 giấy trong năm 2023 và năm tới sẽ cấp hết 400 thửa trên địa bàn đã đủ điều kiện”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Công Kết cho biết.

Là đơn vị được Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ là đầu mối tham mưu về thực hiện kỷ cương hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, qua thực tế kiểm tra, rà soát cho thấy, có sở, ngành cần đến hơn 100 quy trình nội bộ, nhưng đến nay mới xây dựng được 20 quy trình, dẫn đến chậm trễ trong việc xử lý công việc ngay trong đơn vị.

Nội bộ đã vậy, với những nội dung liên thông giữa các sở, ngành liên quan cũng cần phải làm theo quy chuẩn hơn, tránh tình trạng kéo dài, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Bởi thực tế có dự án khi triển khai cần một số nội dung phải xin ý kiến các sở khác, nhưng mỗi lần đơn vị chuyên môn lại chỉ làm văn bản xin ý kiến một nội dung, mất nhiều thời gian. “Những việc này thời gian qua, thành phố đã giao Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra và tới đây có trường hợp sẽ bị đưa ra xử lý kỷ luật nghiêm”, ông Trần Đình Cảnh nói.

(Còn nữa)

(*)Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 21/11/2023.