Tạo đột phá thu hút tài chính xanh

Các nước trên thế giới và Việt Nam đều coi tài chính xanh là phương thức quan trọng nhằm hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Để tạo đột phá thu hút tài chính xanh, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Nam A Bank giới thiệu với khách hàng các gói tín dụng xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân viên Nam A Bank giới thiệu với khách hàng các gói tín dụng xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính xanh năm 2024, với chủ đề ‘‘Khởi tạo mạnh mẽ, gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết: Tài chính xanh đang là xu hướng tất yếu, trở thành một yếu tố then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong năm 2023, tổng dư nợ thị trường toàn cầu ước đạt 4,16 nghìn tỷ USD (theo Morningstar). Tổng giá trị trái phiếu bền vững (xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững) phát hành năm 2023 đạt 939 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022.

Tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đạt gần 637 nghìn tỷ đồng tại 47 tổ chức tín dụng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng bốn đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc phát triển tài chính xanh hiện nay đang đối mặt với những thách thức; đó là, Việt Nam chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh...); việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...).

Trong khi đó, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn... nhưng các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.

Nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

Đồng quan điểm, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cũng cho rằng: Thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện.

Doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh. Đồng thời, cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư đầu tư vào sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế; thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập (trước và sau phát hành).

Hoàn thiện cơ chế thu hút vốn xanh

Theo ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu; song những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới có hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn của Việt Nam để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Bàn về giải pháp, ông Vũ Chí Dũng cho rằng: Để thúc đẩy thị trường vốn xanh, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường vốn xanh.

Theo đó, các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh…

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam cần xây dựng quỹ tái cấp vốn, gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi; tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thẩm định dành riêng cho tín dụng xanh; có sản phẩm, dịch vụ phù hợp đối với các lĩnh vực khác nhau; tăng cường nâng cao nhận thức, đào tạo cán bộ về những lĩnh vực như: ESG, năng lượng tái tạo, sản xuất-tiêu dùng xanh... để các hoạt động thẩm định, thiết kế sản phẩm và quản lý rủi ro được thực hiện phù hợp và hiệu quả hơn.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Anh Đào cho biết: Để đạt mục tiêu trung hòa carbon, cần nhu cầu vốn lớn và thị trường tài chính là kênh huy động vốn quan trọng. Để huy động được nguồn tài chính xanh, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ESG và phát triển bền vững thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến yếu tố E&S (môi trường và xã hội) ngay từ khi chuẩn bị dự án và tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường như kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải.

Là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đề ra chiến lược đến năm 2025 trở thành “ngân hàng xanh”. Để đạt mục tiêu này, Nam A Bank thành lập Ban chỉ đạo Ngân hàng xanh và Ban Tín dụng xanh.

Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết: “Nhiều năm qua, Nam A Bank đã “xanh hóa” danh mục tín dụng, liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, hoạt động kinh doanh tập trung ở các lĩnh vực: nông nghiệp thông minh; du lịch xanh; doanh nghiệp xanh. Đến nay đã đạt được quy mô khá lớn trong danh mục cấp tín dụng và đang chiếm khoảng 10% quy mô tín dụng của Nam A Bank, đã giải ngân hơn 12 nghìn tỷ đồng với gần 10.000 khoản vay.