Tạo điều kiện để sinh viên cống hiến

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 600 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng đang học tập trên địa bàn. Đây là một nguồn nhân lực rất lớn đóng góp cho quá trình phát triển của thành phố, nhất là ở khu vực công. Để phát huy nguồn dư địa này, thành phố cần có nhiều cơ chế, chương trình để các tri thức trẻ yên tâm cống hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên cần nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để yên tâm làm việc, cống hiến trong môi trường cơ quan nhà nước. Trong ảnh: Các sinh viên trải nghiệm công nghệ tại một hoạt động ngoài trời.
Sinh viên cần nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để yên tâm làm việc, cống hiến trong môi trường cơ quan nhà nước. Trong ảnh: Các sinh viên trải nghiệm công nghệ tại một hoạt động ngoài trời.

Nhiều sinh viên cho biết, dù rất quan tâm nhưng họ chưa có nhiều thông tin về môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước. Trên thực tế, các chế độ về thu nhập, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến cũng luôn là vấn đề sinh viên rất quan tâm nhưng có ít thông tin để tiếp cận.

Băn khoăn về môi trường làm việc

Là sinh viên năm 3 Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bạn Quách Thanh Vịnh An đang nỗ lực nuôi dưỡng ước mơ trở thành một công chức tại một cơ quan Viện Kiểm sát để thỏa ước mơ của chính bản thân và gia đình. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu các quy định về chính sách tuyển dụng, thu hút nguồn cán bộ, Quách Thanh Vịnh An không ít tâm tư khi nhiều quy định đang “cản trở” sinh viên không thể tiếp cận.

Bạn Vịnh An dẫn chứng, một trong quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để có thể được tuyển dụng là: “trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông, ứng viên phải đạt giải ba trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ)”.

Theo quy định này thì dù trong thời gian học đại học, dù sinh viên có tốt nghiệp xuất sắc nhưng thời gian học phổ thông không đạt các thành tích nêu trên thì cũng không đủ tiêu chuẩn để được tuyển vào cơ quan nhà nước.

Còn bạn Võ Lập Phúc, sinh viên năm 2, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Khi ra trường, em và nhiều bạn có kế hoạch làm việc trong cơ quan nhà nước, song vẫn băn khoăn về môi trường làm việc. Từ thực tế này, sinh viên cần được cung cấp thông tin về chế độ, môi trường làm việc để các bạn tìm hiểu, lựa chọn”.

Tương tự, bạn Nguyễn Thị Châu Anh, Chủ tịch sinh viên Trường đại học quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù thành phố đã có nhiều chính sách để thu hút nhân tài nhưng nhiều sinh viên vẫn chưa hình dung được môi trường làm việc để có thể tiếp cận, tìm hiểu. Hiện nhiều sinh viên có tâm tư, nguyện vọng đối với những “bài toán lớn” về môi trường, giao thông, chuyển đổi số,… nên thành phố cần có những kênh để huy động được sức trẻ.

Cảm hứng từ những người đi trước

Giao lưu, tâm sự cùng các sinh viên về những câu chuyện từ ngày còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, Thầy thuốc Nhân dân, GS, TS, bác sĩ Trần Đông A kể về câu chuyện “vượt khó” trong học tập để rồi đạt được những thành tựu y khoa được giới y học quốc tế công nhận (ca mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức (1988), ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi (2020), kỹ thuật ghép gan…).

GS Trần Đông A cho rằng, chỉ có sự nỗ lực không ngừng của bản thân, không ngừng học hỏi thì các bạn mới chạm đến ước mơ rồi có cơ hội để cống hiến cho thành phố, đất nước.

Tương tự, câu chuyện “khởi nghiệp” chỉ từ 2.000 đồng, 1 nón lá và 3 bộ đồ cũ của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng khiến nhiều sinh viên nể phục, tâm đắc. Ông trở thành nhân chứng thời cuộc và là người thúc đẩy những đột phá quan trọng cho nền kinh tế thành phố với những công trình mang đậm dấu ấn như: khu Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu chế xuất Tân Thuận...

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đúc kết: “Muốn thoát nghèo, muốn bứt phá chỉ có con đường duy nhất là tự học. Khi làm việc phải luôn đặt cái tâm lên hàng đầu để có thể cống hiến tất cả những gì mình có cho xã hội”.

Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách về thu hút tuyển dụng người tài song theo Sở Nội vụ, trong suốt 5 năm qua, thành phố không tuyển được sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nào về làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đáng nói, với lực lượng khoảng 600 nghìn sinh viên đang học tập tại thành phố, đây là nguồn lực rất lớn để có thể lựa chọn những nhân tài.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến sinh viên xuất sắc chưa mặn mà với môi trường làm việc này là do môi trường làm việc trong khu vực nhà nước không phải ai cũng hòa hợp được. Các thông tin về tuyển dụng chưa được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng. Ngoài ra, một số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc có xu hướng du học hoặc học nâng cao để tìm kiếm môi trường làm việc năng động hơn.

Trao đổi cùng các sinh viên tại chương trình lãnh đạo gặp gỡ sinh viên tiêu biểu mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố cần thực hiện chương trình “Sáng kiến sinh viên” để tạo không gian sáng tạo nhằm kết nối các thế hệ trí thức đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Lãnh đạo thành phố ghi nhận và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, trước các ý kiến, nguyện vọng của các sinh viên, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu các ý kiến, đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách để tham mưu các chính sách phù hợp nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên.

Đối với các định hướng lớn của thành phố, lãnh đạo Thành ủy mong muốn các sinh viên phải chủ động hơn trong học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng, tích cực tham gia hoạt động xã hội để đóng góp vào sự phát triển của thành phố.