Nếu như trước đây, các sàn thương mại điện tử chỉ bán một số sản phẩm như sách, quần áo thời trang... thì nay, gần như mặt hàng nào cũng được kinh doanh trên mạng. Thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả. Đơn cử, để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trái cây sắp bước vào chính vụ thu hoạch, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee... đã vào cuộc.
Với lợi thế lượng truy cập lớn, mạng lưới vận chuyển rộng khắp, các sàn thương mại điện tử đã tích cực tiêu thụ nông sản, trái cây bảo đảm nguồn gốc, giá cả và đóng gói hàng hóa. Như với sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trung bình mỗi ngày có gần 10 nghìn lượt truy cập. Qua đó, sàn đã kết nối các địa phương và hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản, trái cây chính vụ. Chị Đặng Quỳnh Dung (Xa La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thấy rất thuận tiện và yên tâm khi có thể đặt mua trái cây đặc sản của các tỉnh, thành phố thông qua các sàn thương mại điện tử. Như vậy, tôi ở văn phòng mà vẫn được giao hàng tới tận nơi, không phải mất công đi mua ngoài chợ, cũng không lo lắng về nguồn gốc hàng hóa”.
Trong thời gian qua, lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội đã có bước tăng trưởng thần tốc. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, thành phố Hà Nội đã tăng tới 30,2 điểm so với năm 2021, đạt 85,9 điểm, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Các chỉ số thành phần như nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp của thành phố đều tăng. Với thị trường lớn hơn 10 triệu dân, mức thu nhập khá và có nền tảng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ, Hà Nội có nhiều điều kiện, ưu thế để phát triển lĩnh vực thương mại hiện đại này.
Bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen Holdings Plc đánh giá: Hai năm qua, dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng của thương mại điện tử vì những tiện ích mà nó đem lại. Dần dần, tạo lập thói quen mua sắm online cho người tiêu dùng và khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đầu tư cho thương mại điện tử. Với sự cập nhật, liên tục đổi mới phương thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian qua, đến nay, những lo lắng của người tiêu dùng như về chất lượng hàng hóa, độ tin cậy... dần giảm đi, với tốc độ người tham gia mua sắm trực tuyến ngày càng tăng nhanh.
Theo Kế hoạch số 104/KH-UBND về việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu năm 2022, doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%. 75% số website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc...
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: “Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống và nông sản; đồng thời, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu”.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, thành phố sẽ xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, cá nhân theo các lĩnh vực kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng thương mại hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa. Tiếp tục vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.vn; triển khai hiệu quả Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của thành phố (check.hanoi.gov.vn). Đồng thời, cập nhật và hoàn thiện tính năng, nội dung và hình thức của Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi (www.chonhaminh.gov.vn) và ứng dụng trên nền tảng di động...
Cũng theo kế hoạch này, thành phố sẽ đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công. Cùng với đó, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.