Cần tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung

Nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc tại cơ quan thuế do đơn vị này chờ hướng dẫn cách tính thuế mới.

Nguyên nhân dẫn đến việc này là do Luật Đất đai năm 2024 đã bỏ hệ số K khi tính tiền sử dụng đất (trước đây tính thuế sẽ căn cứ vào bảng giá đất nhân với hệ số K), trong khi bảng giá đất mới lại chưa thể ban hành nên ngành thuế không có cơ sở để tính tiền sử dụng đất, thuế hay các loại phí.

Việc ách tắc hồ sơ nhà, đất diễn ra trong bối cảnh người dân ùn ùn đi làm hồ sơ nhà đất khi nghe thông tin tiền thuế trong bảng giá đất điều chỉnh tăng cao gấp nhiều lần so với hiện nay.

Điều đáng nói, Luật Đất đai năm 2024 cho phép áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025, từ ngày 1/1/2026 mới áp dụng bảng giá đất mới lần đầu. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn lúng túng, chờ hướng dẫn. Trong khi Hà Nội và nhiều địa phương khác đã áp dụng hệ số K để thực hiện các thủ tục về đất đai cho người dân.

Không chỉ ách tắc về thủ tục tính thuế, suốt thời gian qua, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đang chờ văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa cho người dân.

Trước khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực (ngày 1/8), việc giải quyết hồ sơ tách thửa tại Thành phố Hồ Chí Minh được giải quyết theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ban hành ngày 5/12/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

Tuy nhiên, từ ngày 1/8, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ngừng nhận hồ sơ tách thửa để chờ quyết định thay thế Quyết định 60 mới giải quyết hồ sơ. Trong khi Khoản 4 điều 220 Luật Đất đai năm 2024 đã cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền quyết định việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.

Một thủ tục khác cũng đang bị ách tắc, đó là cấp phép xây dựng các công trình có tầng hầm. Sau khi Bộ Xây dựng nhắc nhở về việc Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm trong khi chưa phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, toàn bộ hồ sơ cấp phép dạng công trình này đã bị ngừng tiếp nhận.

Tỉnh Bình Dương, địa phương giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương đã vận dụng Khoản 2, Điều 10, Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ quy định về quản lý không gian ngầm đô thị để cấp phép cho người dân. Quy định này cho phép các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt hoặc trong trường hợp có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình ngầm nhưng chưa được xác định trong đồ án quy hoạch thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm. Chính sự vận dụng này, các hồ sơ liên quan đến cấp phép công trình có tầng hầm đều được tỉnh giải quyết mà không phải mất nhiều thời gian để xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

Một thủ tục bị ách tắc đồng nghĩa với hàng nghìn hồ sơ chưa được giải quyết, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây bức xúc trong nhân dân. Xét cho cùng, dù công việc giản đơn hay công nghệ hiện đại đến mức độ nào cũng được vận hành bởi con người. Xử lý hồ sơ đơn giản hay phức tạp đều do cán bộ, công chức; muốn tìm cách tháo gỡ hay trả hồ sơ về làm lại cũng là cán bộ, công chức thụ lý...

Khi hồ sơ vướng mắc, nếu cán bộ, công chức có trách nhiệm sẽ hướng dẫn và tìm giải pháp, còn vô tâm thì thoái thác và đùn đẩy trách nhiệm dưới vỏ bọc “làm theo quy trình”. Sâu xa hơn, chính đội ngũ cán bộ công chức sẽ nhận ra bất cập của quy trình để rút ngắn, xóa bỏ những điều kiện vô lý, hành dân, từng bước hướng tới nền hành chính phục vụ. Cần lắm tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức vì lợi ích chung phát triển thành phố.